Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

NHỊP CẦU VĂN HÓA VIỆT NAM – RUMANI

  28/11/2015

GS Hoàng Chương

PCT Hội hữu nghị Vi ệt  Nam-Rumani

 

Tháng 8 năm  2005 đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm nước CHXHCN Việt Nam – quốc khánh ngày 2/9, kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Rumani ( 1955 – 2005), Bộ Văn hóa thông tin Việt Nam phối hợp với Bộ văn hóa và Tín ngưỡng Rumani, Đại sứ quán Việt Nam – tại Rumani, Hội Hữu nghị Việt Nam – Rumani và Hội hữu nghị Rumani – Việt Nam tổ chức tuần lễ văn hóa Việt Nam tại thủ đô  Bucarest – Rumani, từ ngày 10 – 17/8/ 2005.

Tháng 8 ở vùng Ban Căng đông nam Châu Âu trời cao, mây xanh và nắng đẹp, nắng đến hơn 7h tối mới tắt mà ánh sáng ban ngày còn kéo dài tận 8 giờ đêm, càng về khuya, khí trời càng se se dịu mát. Thành phố Bucarest hiện lên trong ánh sáng điện huy hoàng soi bóng xuống dòng sông Đưm – bô – vit-xa thơ mộng, gợi tâm hồn thơ và nhạc những cảm xúc tuyệt vời cho sáng tạo nghệ thuật.

 Đoàn văn hóa Việt Nam có gần 30 người gồm các nghệ sĩ biểu diễn ca múa nhạc dân tộc, các chuyên viên về triển lãm nghệ thuật, trang phục dân tộc, thủ công mỹ nghệ... do NSND Thứ trưởng Lê Tiến Thọ làm trưởng đoàn.

          Tham gia tuần văn hóa Việt Nam tại Rumani còn có gần 20 GS, TS, nhà văn, nhà nghiên cứu nghệ thuật và nhà doanh nghiệp do tôi hướng dẫn từ Việt Nam tới. Từ ngày 10 tháng 8 năm 2005, một không khí giới thiệu văn hóa Việt Nam đã được thể hiện trên những băng – rôn, áp phích và cờ xí Việt Nam rực rỡ trước và trong khu vực Cung văn hóa sinh viên  ở trung tâm thủ đô Bucarest, lôi cuốn sự chú ý của người dân Rumani cũng như giới truyền thông đại chúng. Sáng 12 tháng 8 năm 2005 mở đầu cho tuần văn hóa Việt Nam tại Rumani là triển lãm văn hóa dân tộc Việt Nam với hàng trăm hiện vật và mô hình trang trí đẹp có sức hấp dẫn mạnh. Đại diện Bộ văn hóa thông tin Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Rumani và đại diễn Bộ Văn hóa tín ngưỡng Rumani đã cắt băng khai mạc triển lãm. Hàng trăm khách Rumani và Việt kiều tại Bucarest đã tham dự trong không khí ấm tình hữu nghị Việt – Ru.

          Cùng ngày, một cuộc họp báo lớn do Bộ trưởng văn hóa tín ngưỡng Rumani Ioan Onisei, NSND thứ trưởng Lê Tiến Thọ và Tổng thư ký Bộ ngoại giao Rumani cùng đại sứ Việt Nam tại Rumani Lê Mạnh Hùng chủ trì. Thứ trưởng Lê Tiến Thọ đã giới thiệu khái quát về văn hóa dân tộc Việt Nam, đồng thời giới thiệu tôi là đại diện cho những chuyên gia văn hóa Việt Nam do Rumani đào tạo đã góp phần làm cầu nối cho hai nền văn hóa Việt Nam – Rumani trong nhiều thập kỷ qua. Nhiều nhà báo đã hỏi bộ trưởng Bộ Văn hóa và tín ngưỡng Rumani và thứ trưởng Bộ Văn hóa thông tin Việt Nam rằng: Những ngày văn hóa Việt Nam được tổ chức tại Rumani hôm nay vậy sắp tới có những ngày văn hóa Rumani ở Việt Nam không? Hoặc, Văn hóa Rumani đã được giới thiệu ở Việt Nam như thế nào, ngược lại Văn hóa Việt Nam đã có mặt tại Rumani từ lúc nào và hiện nay có được tiếp tục giới thiệu rộng rãi ở Rumani?...v.v.

          Bộ trưởng Văn hóa tín ngưỡng Rumani và thứ trưởng Văn hóa thông tin Việt Nam đã trả lời thỏa đáng những câu hỏi của các nhà báo Rumani và nước ngoài với nội dung tóm tắt  rằng: Hai nước Việt – Ru sẽ tiếp tục trao đổi văn hóa thường xuyên trong những năm tới.

          Sau buổi họp báo là lễ khai mạc chính thức những ngày văn hóa Việt Nam tại Rumani được tiến hành trọng thể tại Hội trường lớn của cung văn hóa sinh viên ở thủ đô Bucarest. Gần 500 khách gồm đại diện các cơ quan văn hóa nghệ thuật, ngoại giao đoàn và Hội người Việt Nam ở Rumani đã tham dự. Sau diễn văn của thứ trưởng Lê Tiến Thọ và phát biểu của Bộ trưởng Bộ văn hóa tín ngưỡng Rumani – Ioan Onisei, một chương trình biểu diễn nghệ thuật dân tộc Việt Nam đặc sắc do NSND Trần Bình chỉ đạo kéo dài gần hai tiếng đồng hồ, trong đó có những bài dân ca Rumani được các nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn rất thành công bằng tiếng hát và độc tấu đàn bầu. Cả hội trường chật kín người, tiếng vỗ tay kéo dài sau từng tiết mục. Buổi diễn kết thúc là một buổi dạ tiệc sang trọng do Đại sứ quán Việt Nam và Hội người Việt Nam tại  Rumani chiêu đãi bằng món ăn dân tộc Việt Nam cùng bia và rượu vang Rumani. Những quan chức Rumani và các nhà ngoại giao nước ngoài đều khen ngợi nghệ thuật dân tộc Việt Nam rất hay, rất đẹp và món ăn Việt Nam cũng rất ngon. Đã 11 giờ đêm mà vẫn đông người Rumani trò chuyện về văn hóa Việt Nam và tiếp tục xem triển lãm hàng thủ  công mỹ nghệ Việt Nam. Đại sứ Valeriu Arteni, nhà doanh nghiệp Mihai Andritoiu nói: “Chúng tôi đánh giá cao thành công của những ngày văn hóa Việt Nam tại Rumani lần này. Tính dân tộc và hiện đại trong văn hóa Việt Nam rất rõ nét...

          Một đêm Việt Nam thật tưng bừng đã diễn ra tại thủ đô Bucarest hoa lệ. Sáng ngày 13 tháng 8 năm 2005, theo chương trình chính thức trong những ngày văn hóa Việt Nam tại Rumani, một hội thảo về Hồ Chí Minh và tập thơ Nhật ký trong tù cũng được tiến hành long trọng tại tầng 2, cung văn hóa sinh viên Bucarest. Gian phòng được trang trí gần 100 bức ảnh Hồ Chủ Tịch như một cuộn phim liên hoàn thể  hiện Bác Hồ lúc mới về nước lãnh đạo cuộc khởi nghĩa 18.8.1945 và hình ảnh Bác Hồ ở các mặt trận đông Bắc, Tây Bắc. Bác tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân và người nước ngoài trong đó có Rumani... giúp cho người xem hiểu được phần nào về tư tưởng, về nhân cách của một lãnh tụ thiên tài, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.

          Cuộc hội thảo do Đại sứ quán Việt Nam tại Rumani, Hội hữu nghị Việt Nam – Rumani và Hội hữu nghị Rumani – Việt Nam đồng tổ chức với sự tham gia của NSND Lê Tiến Thọ - thứ trưởng Bộ văn hóa thông tin cùng đông đảo nhà văn hóa và báo chí Việt Nam và Rumani, đại diện của Liên hiệp các Hội hữu nghị Việt Nam, Hội hữu nghị Việt – Ru và Hội người Việt tại Rumani. Đại sứ Lê  Mạnh Hùng, GS Hoàng Chương và Đại sứ C.Lupeanu chủ trì Hội thảo. Cũng nhân cuộc hội thảo này, tập Nhật ký trong tù do nhà văn C.Lupeanu dịch từ chữ Hán đã được  xuất bản bằng hai thứ tiếng Rumani và Việt Nam. Mỗi người cầm trên tay tập Nhật ký trong tù được in trang trọng tại Rumani, đều  xúc động và tưởng nhớ cách đây 55 năm Bác Hồ đã đến thăm Rumani, bắc nhịp cầu hữu nghị đầu tiên giữa hai nước Việt Nam và Rumani kéo dài và bền vững cho đến hôm nay.

          Nhiều bài tham luận đã tập trung phân tích sâu về giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tập thơ Nhật ký trong tù, cũng như nói về tư tưởng Hồ Chí Minh, về văn hóa, về ngoại giao, về đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, về Bác Hồ với nghệ thuật dân tộc.... Đặc biệt tham luận của đại sứ C.Lupeanu rất xúc động. Ông cho rằng: “Nhật ký trong tù” là tác phẩm thơ chữ Hán từ “Bùn đất và quyết tâm gang thép”, tức là viết từ ngục tù của Tưởng giới thạch – và ông kết luận: Nhật ký trong tù là chất thép với lòng yêu tổ quốc và nhân dân. Nhà văn Contantinnes-cu Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Rumani tham luận về tư tưởng và nhân cách lãnh tụ Hồ Chí Minh – bài học lớn cho các nhà lãnh đạo cách mạng thế giới. Đại sứ Lê Mạnh Hùng tham luận về thiên tài ngoại giao của Hồ Chủ Tịch với câu nói bất hủ “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Đại sứ Nguyễn Ngọc Sinh nói  về tư tưởng đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế của Hồ Chí Minh. TS Nguyễn Thị Minh Thái nối sâu về “Thi pháp thơ và thời gian nghệ thuật phương đông” trong “Nhật ký trong tù”, PGS Lê Đình Cúc nói về giá trị văn hóa trong thơ của Hồ Chủ Tịch, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thành nói về khát vọng tự do trong “ Ngục trong nhật ký”, nhà văn Đoàn Minh Tuấn nói về tư tưởng Hồ Chí Minh trong “Nhật ký trong tù”. Đó là nhật ký bằng thơ diễn đạt tư tưởng qua thơ, là tiếng nói truyền thống từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cao Bá Quát... GS Hoàng Chương nói về Hồ Chí Minh – nhà nghệ sĩ lớn, tác giả của vở kịch “Con rồng tre” của truyện ngắn “Vi hành” nổi tiếng, đồng thời Bác Hồ cũng là người đặc biệt quan tâm tới nghệ thuật dân tộc. Nghệ sĩ dân dân Lê Tiến Thọ tham luận (có minh họa) về việc thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu, càng làm cho nội dung hội thảo thêm sinh động và phong phú hơn...

          Cuộc hội thảo về Chủ tịch Hồ Chí Minh và thơ “Nhật ký trong tù” đã diễn ra trong không khí trang nghiêm và sôi nổi, khi các cháu thiếu niên Việt Nam ở  Bucarest lên hát những bài “ Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”. “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ” và bài “Đi ta đi lên” không chỉ người Việt Nam mà cả người Rumani có mặt ở hội thảo đều xúc động trước tình cảm của thế hệ măng non với Bác Hồ kính yêu.

          Cuộc Hội thảo về Chủ tịch Hồ Chí Minh và thơ Nhật ký trong tù như một điểm nhấn đậm nét trong chương trình “những ngày văn hóa Việt Nam tại Rumani”. Tình hữu nghị Việt Nam – Rumani lại được nhân lên gấp bội. Một ấn tượng không thể nào quên.

                                                          *

                                                *                 *

 

Tình hữu nghị Việt – Ru như dòng Dâmbovita xinh đẹp

Đêm nghệ thuật hữu nghị Việt Nam – Rumani kết thúc thì buổi dạ tiệc  nối tiếp thu hút hàng trăm khách Rumani xen lẫn người Việt Nam hân hoan  kéo dài như bất tận...

          12 giờ khuya tôi vừa trở về phòng ngủ ở ký túc xá sinh viên trường luật Bucarest thì, lập tức đại sứ Valeriu Arteni cùng phu nhân  - chị Maria và Mariut con trai của ông bà và một cô gái Rumani  rất xinh cùng với vợ chồng nhà  doanh nghiệp Mihai Andreitoiu  kéo tới thăm tôi, làm cho gian phòng nhỏ không sao có chỗ ngồi dù nhiều người đã nhảy cả lên  giường cá nhân... nhưng ai cũng cảm thấy vui...Những viên kẹo lạc, kẹo vừng tôi mang theo từ Hà Nội là món khoái khẩu của những người bạn Rumani đã từng sống ở Việt Nam.

          Valeriu Arteni nhắc lại những kỷ niệm trong 17 năm sống, học tập và công tác ở Việt Nam. Ông không chỉ nhắc tới Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quy Nhơn, những nơi ông đã từng đến, đã sống mà còn nhắc tới những địa phương kết nghĩa với Rumani như, trường cấp 3 Hùng Vương Phú Thọ, trường cấp 2 La Hiên, Thái Nguyên, hợp tác xã Mộc Bắc ở Hà Nam, và nơi ông sơ tán ở Đông Anh, Hà Nội... Đêm hội ngộ và tâm tình kéo dài tới 1 giờ sáng. Chúng tôi chia tay và hẹn gặp lại ngày mai tại khu biệt thự của ông Mihai Andreitoiu ở vùng nghỉ mát Cornu – ngoại ô Bucarest.

          Đúng 9 giờ sáng một cô gái xinh xinh trạc tuổi 24, 25 tuổi ăn mặc quần ngắn, áo ngắn đến đón tôi đi  Cornu. Tôi rủ TS Nguyễn Thị Minh Thái đi cùng. Tôi hỏi người lái xe:

  • Cô ở đâu mà đến đón tôi?
  • Cô gái trả lời: Tôi là luật sư công tác ở Bucarest. Ông Valeriu  nhờ đi đón một giáo sư Việt Nam tới khu nghỉ mát ở Cornu.
  • Tôi hỏi: Cornu có xa không?

          Cô trả lời: 100 cây số

  • Vậy chạy mất mấy giờ thì tới – tôi hỏi?
  • Đúng 1 tiếng – cô gái  trả lời
  • Đi đường cao tốc có phải trả lệ phí không, tôi hỏi?
  • Cô luật sư trả lời: Không ! Ở Rumani mọi thứ đều vì lợi ích của nhân dân.

         Kim đồng hồ chỉ đúng 1 giờ tính từ lúc khởi hành ở thù đô Bucarest là tới biệt thự của ông Mihai ở Cornu.

          Cô gái bàn giao chúng tôi cho chủ nhà rồi lập tức quay xe về Bucarest, không kịp ăn uống gì. Tôi chạnh lòng hỏi đại sứ Valeriu :  Vì sao anh không mời cô gái ở lại ăn cơm, uống nước với chúng ta? Valeriu  trả lời: không sao, cô ấy nhiệt tình lắm  tuy rất bận nhưng khi tôi nhờ đi đón một giáo sư Việt Nam  là cô nhận lời ngay, hành xử của cô luật sư trẻ làm cho tôi xúc động và càng thấy tình hữu nghị Việt Nam – Rumani sao mà thắm thiết chẳng khác gì thời tôi học tập ở Rumani cách đây 30 năm.

Vợ chồng Valeriu và vợ chồng ông Mihai tiếp chúng tôi thật nồng nhiệt. Chủ nhà đưa chúng tôi ra vườn để hái quả, những cành táo, cành nho chín mọng, nặng trĩu quằn xuống gần mặt đất và rụng đầy gốc cây, nhưng chẳng ai hái nhặt. Hóa ra họ trồng nho, táo để làm cảnh là chính. Chị Maria bảo tôi chịu khó mang về Việt Nam làm quà, chị hái đầy một thùng táo, buộc kỹ lại rồi bảo tôi cố mang về Việt Nam cho gia đình và bạn bè thưởng thức táo Rumani, một giống táo ngọt vào bậc nhất ở Châu Âu.

          Trước khi ăn cơm trưa, Mihai Andreitoiu đưa tôi đi xem các gian nhà biệt thự sang trọng của ông. Từ tầng 1 đến tầng 3, dọc cầu thang đều trang trí bằng các loại đĩa mà ông sưu tập được khắp năm châu, trong đó có những đĩa cổ Việt Nam rất đẹp. Ông Mihai cho tôi biết, cha của ông là một nhà văn đã  từng làm chuyên gia ở Việt Nam từ những năm 60 ( TK 20) và xuýt nữa ông đã lấy vợ Việt Nam. Mihai đưa cho tôi xem những quyển sách tiếng Việt, tiếng Pháp nói về Việt Nam mà ông xếp rất trang trọng trong giá sách của mình. Mihai nói:  Đây là những kỷ niệm quý về Việt Nam mà cha tôi trước khi mất đã giao cho tôi giữ thật cẩn thận. Tôi nghĩ, chắc còn nhiều lắm những gia đình người Ru trên đất nước Rumani yêu quý Việt Nam như gia đình ông Mihai Andreitoiu. Tôi nhớ lại những năm cuối  60 đầu 70 ( TK20) thời kỳ tôi học tập nghiên cứu về nghệ thuật sân khấu ở thủ đô Bucarest đã được người Rumani chăm sóc như thế nào, nhờ vậy mà tôi học có kết quả rất tốt như đánh giá của giáo sư  Elena Berlogia, chủ nhiệm khoa nước ngoài ở học viện sân khấu và điện ảnh Bucarest. Và, đến tháng 8 năm 1994, khi tôi đưa đoàn nghệ thuật dân tộc Việt nam sang biểu diễn và tham gia hai Festival quốc tế về nghệ thuật dân gian tại Rumani, đã được chính phủ, nhân dân và nghệ sĩ Rumani ủng hộ như thế nào, cho dù lúc này thể chế chính trị của Rumani đã thay đổi, chủ nghĩa xã hội không còn nữa nhưng tình hữu nghị Việt – Ru vẫn không hề thay đổi.

Bữa cơm trưa tại nhà anh Mihai Andreitoiu từ 1 giờ kéo dài tới chiều với biết bao câu chuyện, bao kỷ niệm ấm áp về Việt Nam mà vợ chồng anh Valeriu và Maria kể, khi thì bằng tiếng Ru lúc lại bằng tiếng Việt. Kể cả Mariut con trai của anh chị cũng nói thông thạo tiếng Việt vì cậu này vừa tốt nghiệp tại học viện quốc tế Hà Nội.

          Trời dần dần sẩm tối, khu nghỉ mát Cornu bỗng sáng lên như những ánh sao đêm, bởi hàng vạn bóng đèn điện đủ loại. Chúng tôi lên xe trở về Bucarest trong niềm lưu  luyến khó tả. Tình hữu nghị Việt Nam – Rumani  như dòng sông Dưm - bô - vít - xa trong xanh cứ chảy mãi không bao giờ ngừng..

          Sáng hôm sau khi mọi người cùng đoàn của tôi chuẩn bị lên xe đi tham quan vùng Mamaia, Constanxa thì tôi phải một mình rời Bucarest trở về Hà Nội để kịp hai ngày sau bay sang Nhật nghiên cứu về kịch Noh và Kabuki theo chương trình đã định. Tiễn tôi ra sân bay là cựu đại sứ Nguyễn Ngọc Sinh và TS Hoàng Trung Du – chủ tịch Hội người Việt ở Rumani. Đến sân bay làm thủ tục thì, không ngờ bị nhân viên hàng không cho biết  là không còn chỗ (bay từ Bucarest đến Paris) để chuyển sang Vietnam Ailines với lý do là tôi về trước ngày mà không đăng ký. Như bị trời giáng vì nếu ở lại hai ngày nữa thì chuyển đi Nhật của tôi sẽ không thực hiện được. Nói mãi mà cô nhân viên hàng không vẫn lắc đầu trả lời không còn chỗ! Tôi lại nài nỉ: Tôi là giáo sư, đạo diễn , Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Rumani sang tham gia tuần lễ văn hóa Việt Nam – Rumani, nay cần về gấp để tiếp tục bay sang Tokyo – Nhật Bản, nếu chậm thì nhỡ hết chuyến công tác!

          Cô nhân viên nhìn tôi có vẻ cảm tình, rồi gọi điện thoại tới sếp của mình yêu cầu giúp đỡ... Tôi hồi hộp lắng nghe đến khi cô nói tiếng: bun bun, oke, oke thì, tôi mừng vô cùng. Và như vậy là tôi được bay đúng ngày giờ. Hai ông bạn tiễn tôi cũng thở phào nhẹ nhõm rồi ôm tôi tạm biệt...

          Chiếc máy bay cất cánh từ sân bay quốc tế Otopeni – Bucarest hướng về phía Tây Châu Âu, tôi cảm thấy như đất nước và con người Rumani tươi đẹp và nghĩa tình đang níu mình lại, giống như những lần trước khi “la revedere” (tạm biệt) Rumani./.

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 3
  • 3391
  • 22,192,706