Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

NHÂN TÀI VÀ DÂN CHỦ

  14/02/2016

Xã hội cần phải có một cơ chế phát hiện, bồi dưỡng và chọn lựa nhân tài để giao việc cho họ ra giúp đời, giúp nước. Cơ chế đó không gì khác hơn là một nền dân chủ đích thực

Vào đời Hậu Lê, niên hiệu Hồng Đức thứ 15 (1484), vâng lệnh vua Lê Thánh Tông soạn văn bia khắc vào các bia tiến sĩ đầu tiên ở nước ta, danh sĩ Thân Nhân Trung (1419-1499) có viết: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế, các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết”. Câu này được khắc ghi trên văn bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám và lưu truyền mãi đến nay như một tư tưởng coi trọng nhân tài của dân tộc ta.

Con người vừa là một thực thể tự nhiên vừa là một thực thể xã hội nên mỗi người mỗi vẻ, không ai giống ai. Sự khác nhau này thể hiện về mặt thể chất, tâm lý, tính cách, tài năng và số phận. Trừ trường hợp bị bệnh bẩm sinh hay thiểu năng trí tuệ, mỗi người đều có những năng lực nhất định trong sinh hoạt thường ngày và trong nghề nghiệp. Từ năng lực thông thường trở thành người tài năng đòi hỏi nhiều yếu tố tác thành, bao gồm thiên tư, nhân văn và xã hội. Trong một tập thể, một cộng đồng người bao giờ cũng có những tài năng vượt lên trên, làm gương hoặc dẫn dắt đám đông. Trong đó, nổi bật nhất, đại biểu tinh hoa của một dân tộc, một thời đại được xem là những thiên tài.

Nhân tài trong đời sống xã hội hoạt động ở rất nhiều lĩnh vực. Người có tài thao lược lập chiến công trong lĩnh vực quân sự. Người có tài kinh bang tế thế lập thành tích trên lĩnh vực quản trị quốc gia. Những tài năng trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học có nhiều phát minh, sáng chế ích lợi cho cộng đồng. Những tài năng trên lĩnh vực thể thao đạt và vượt nhiều kỷ lục xuất sắc. Còn những tài năng trên lĩnh vực nghệ thuật thì sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao.

Những tài năng đó đều không phát tích một cách ngẫu nhiên. Trong họ có thể có những gien di truyền, những đặc điểm nơi bán cầu não phải hay bán cầu não trái, được rèn luyện trong một hoàn cảnh gia đình thuận lợi hay một môi trường giáo dục tốt đẹp từ thời niên thiếu. Lớn lên, cùng với nỗ lực kiên trì tự đào tạo của cá nhân, những tài năng còn có cơ duyên được xã hội bồi dưỡng, thử thách để phát triển tận độ năng lực vốn có trong họ. Như vậy, sự hình thành tài năng là kết quả của năng khiếu tự nhiên và sự trải nghiệm trong thực tiễn đời sống.

Trong khi đó, phát hiện và sử dụng nhân tài là một vấn đề thuần túy xã hội, phụ thuộc vào một thể chế nhất định. Trong lịch sử có biết bao tài năng không được sử dụng và phát huy, đến nỗi bị mai một, thui chột, thậm chí bị vùi dập. Điều oái oăm nữa là cũng không hiếm nhân tài bị sử dụng không đúng sở trường, thậm chí lấy sở đoản làm sở trường. Chẳng hạn, tài năng quân sự thì bị giao việc quản trị hành chính, tài năng nghệ thuật thì đi làm kinh tế, tài năng kinh doanh thì quảng bá danh tiếng bằng sáng tác thơ ca...

Một xã hội chỉ phát triển đúng hướng khi tài năng được sử dụng đúng chỗ, đúng lúc, như những quân cờ đặt đúng vị trí trên bàn cờ để phát huy tác dụng. Tất nhiên, xã hội không phải bao giờ cũng đạt đến trình độ hoàn hảo như vậy nhưng đó là mục tiêu mà mọi xã hội tiến bộ đều vươn tới. Muốn như vậy, xã hội cần phải có một cơ chế phát hiện, bồi dưỡng và chọn lựa nhân tài để giao việc cho họ ra giúp đời, giúp nước.

Cơ chế đó không gì khác hơn là một nền dân chủ đích thực. Qua con đường dân chủ, từ trong đám đông thầm lặng, những tài năng mới có thể xuất đầu lộ diện, thể hiện năng lực của mình, chinh phục quần chúng và dần dần được xã hội thừa nhận. Qua con đường dân chủ, những “sàn giao dịch quyền lực gia đình” mới không thể tác động và chi phối việc chọn lựa nhân tài quản lý quốc gia. Cũng qua con đường dân chủ, những “nhân tài” giả hiệu sẽ sớm bị sát hạch và để lộ thực chất năng lực của họ.

Tất nhiên, nói đến dân chủ không phải lúc nào cũng có nghĩa là giao cho dân chúng sử dụng lá phiếu để chọn nhân tài. Dân chủ ở đây còn là một hệ thống pháp luật tiến bộ, những quy định hợp lý trong quản lý và kiểm soát bộ máy công quyền, những tiêu chuẩn cần thiết để đánh giá năng lực người công bộc. Nhân tài sẽ kết nối với nhân tài. Trong một tổ chức, cơ quan, đơn vị, khi một nhân tài đã được bầu chọn lên vị trí đứng đầu bằng con đường dân chủ, nhiều khả năng người đó sẽ sử dụng những nhân tài khác để có lợi cho sự nghiệp mà mình đang xây dựng. Trái lại, kẻ bất tài, đi lên bằng con đường mua quan bán chức thì chắc chắn sẽ liên kết với kẻ cơ hội, lòn cúi để củng cố vị trí của mình.

Khái niệm “hiền tài” trong văn hóa phương Đông bao hàm ý nghĩa tài năng gắn liền với đức độ, tài gắn với tâm, mà “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” (Nguyễn Du). Chữ tâm là đạo đức nhưng đạo đức thường trừu tượng hơn so với năng lực. Ở đây, cần phải hiểu đúng đắn quan niệm mác-xít về đạo đức: tiêu chí cao nhất của đạo đức là thái độ đối với lao động, hiểu là lao động để phát triển xã hội. “Lao động” mà phá hoại đất nước, làm thâm hụt tài sản quốc gia thì phải xem là vô đạo đức, đáng bị lên án hơn cả những kẻ ăn bám xã hội.

Tinh thần nhân văn hiện đại không chỉ thể hiện ở tình thương, lòng trắc ẩn và hành động cứu vớt kẻ bất hạnh, người bị bức hại mà còn tạo điều kiện cho con người phát triển năng lực, được thi thố tài năng để phụng sự cộng đồng, quốc gia và nhân loại. Với tư cách “nguyên khí”, hiền tài là động lực phát triển của đất nước, như những đầu máy trí tuệ kéo con tàu xã hội đi về phía trước. Nói một cách hình ảnh, đất nước nuôi dưỡng nhân tài cũng là tạo nên vận khí khơi nguồn cho mùa Xuân xã hội.

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG - Ảnh: Phùng Anh Tuấn

Theo Người Lao động

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 2
  • 3488
  • 22,373,771