Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

MỘT TIẾT HỌC ĐÁNG NHỚ

  11/12/2021

    Khi nhớ lại một thời tuổi trẻ được sống và học tập trên trên đất nước Rumani xinh đẹp, biết bao kỷ niệm đẹp đẽ lại ùa về tràn ngập trong tâm trí chúng ta, những kỷ niệm về một đất nước với thiên nhiên tươi đẹp, con người thân thiện, về thầy cô bạn bè cùng lớp, có cả những kỷ niệm đẹp về tình bạn tình yêu của tuổi trẻ. Nhưng cũng có những chuyện mà khi kể lại, người trong cuộc cũng có đôi chút phải đắn đo vì chẳng ai muốn lộ ra các « sai lầm khuyết điểm » của mình mà trước đây không ai biết, nhưng nghĩ đi nghĩ lại tôi vẫn muốn kể ra vì đó dường như, là một phần không thể thiếu được trong đời sinh viên của chúng tôi.

     Năm ấy chúng tôi đang học năm thứ tư, ngành Hóa vật liệu Silicagte tại Đại học Bách khoa Bucuresti. Sau 4 năm học tập, số sinh viên của lớp giảm dần, tổ (grupa) 955 của chúng tôi chỉ còn lại khoảng 15 sinh viên cả nam nữ, trong đó có 2 sinh viên Việt Nam là anh T.Q. Thái và tôi. Nhân đây cũng phải nói thêm đôi chút về Thái, một chàng trai thông minh, học giỏi, đẹp trai và tất nhiên cũng rất đào hoa. Chúng tôi gắn đã bó với nhau khá lâu, kể từ một buổi tối tháng mười 1967, tại vườn hoa Mê Linh trên phố Thợ Nhuộm Hà nội, chúng tôi, những cô cậu học sinh vừa hết phổ thông lần đầu tiên phải chia tay bố mẹ, người thân, tạm biệt Thủ đô đầy ắp kỷ niệm tuổi học trò, lưu luyến bịn rịn leo lên chiếc xe ca sơn ngụy trang, do thành phố đang trong thời chiến, để lên biên giới Việt -Trung, đón tàu liên vận sang Rumani học tập. Đến Bucuresti chúng tôi cùng được phân về trường Bách khoa George Georgiu Dej, ở khu ký túc xá sinh viên Regie,  cạnh phòng nhau ở Blocul D, cùng lớp học tiếng năm chuẩn bị, rồi năm thứ nhất cùng được phân vào ngành Hóa Silicat, cùng tổ (grupa) trong suốt 6 năm học tập. Vì hay đi với nhau nên chúng tôi thường được phân cùng nhau  trong mọi hoạt động học tập, làm thực hành theo nhóm... Và tất nhiên chúng tôi cũng cùng nhau chia sẻ nhiều trải nghiệm khác nữa trong những năm học ở Rumani.

     Câu chuyện tôi muốn kể lại như một kỷ niệm thời sinh viên là về một tiết học thực hành môn học O&U. Do thầy trợ giảng môn học phụ trách hướng dẫn trực tiếp.

     Thầy trợ giảng còn khá trẻ, nghe nói từng là sinh viên giỏi được giũ lại làm trợ giảng cho giáo sư các môn học « Các quá trình công nghệ và thiết bị (Operatii si Ultilaje) », và « Lò công nghiệp và thiết bị (Cuptor si Utilaje)», hình như thày chi học trước chúng tôi vài khóa. Thông minh sắc sảo và tự tin, còn trẻ nhưng tính cách khá nghiêm nghị, chính xác đến lạnh lùng, sinh viên chúng tôi nói chung rất ngưỡng mộ và cũng có phần nể sợ thày.

     Trong buổi thực hành môn học tại phòng thí nghiệm hôm đó, chúng tôi được giao thực hiện một thí nghiệm xác định các thông số quá trình công nghệ trong phòng thí nghiệm, thú thực vì đã quá lâu nên tôi không còn nhớ rõ. Công việc là theo dõi quá trình vận hành thiết bị thí nghiệm, ghi chép các trị số đo đạc của các thông số trên thiết bị, dùng công thức tính toán kết quả và biểu diễn mối tương quan các thông số công nghệ dưới dạng biểu đồ. Vì chương trình thực nghiệm của môn học không thay đổi so với các năm trước nên trước đó ít ngày, sau khi bàn bạc, thăm dò tìm hiểu, ông bạn Thái với tài ngoai giao xuất sắc đã  xin được một quyển referate báo cáo thí nghiệm môn học này từ một anh sinh viên đồng hương VN học năm trên, trong đó các báo cáo thí nghiệm đều được thực hiện rất hoàn hảo, hầu hết được điểm 10, thế là yên chí lớn, đến lượt bài nào chỉ việc tham khảo số liệu, chọn lọc đưa vào báo cáo kết quả thí nghiệm của mình, đảm bảo có điểm tốt. Từ ngày có bảo bối, chúng tôi cũng có nhàn hạ hơn. Thực ra việc tiến hành thí nghiệm này không quá khó khăn nhưng đòi hỏi phải kiên nhẫn và cũng mất khá nhiều thời gian theo dõi quá trình. Nếu chúng tối tự làm thí nghiệm hoàn chỉnh chắc cũng sẽ đạt được kết quả tốt thôi, nhưng khi có bảo bối này thì nên tận dụng để đỡ mất công sức.Theo phân công, do Thái có công xin tài liệu nên tôi sẽ phải lập báo cáo kết quả thí nghiệm vào vở referate. Và tất nhiên tôi đã hoàn thành nhiệm vụ đó một cách không thể hoàn hảo hơn.

      Đến giờ thực nghiệm sau, nộp báo cáo kết quả để chấm điểm. Khi thầy cầm đến quyển referate của chúng tôi, một cảm giác lâng lâng khó tả dâng lên, tôi hình dung thầy đang viết một điểm 10 no tròn, nếu không ít nhất cũng phải 9.

     « Hai anh Thai và Loi xin mời đến đây », giọng thầy trợ giảng gằn lên với một âm điệu không bình thường khiến tôi giật mình bừng tỉnh, cả lớp quay nhìn, lo lắng cho chúng tôi vi thường ngày thầy vốn khá điềm đạm và nói năng nhỏ nhẹ.

     « Kết quả thí nghiệm của các anh không tốt, đồ thị biểu diễn kết quả không đúng, các anh đã làm gì trong giờ thực nghiệm ? »

     « Tôi thấy dạo này các anh học hành khá chểnh mảng, sắp đến kỳ thi nhưng ít khi nhìn thấy các anh trên giảng đường ».

     Ngồi trước bàn thầy, không dảm ngẩng lên, chúng tôi mặt tái mét không còn hột máu, mắt tôi tối sầm lại. Cú sốc quá đột ngột khiến chúng tôi mất hết tỉnh táo, không còn thấy gì xung quanh. Thầy vẫn tiếp tục giảng giải về thái độ, trách nhiệm, phẩm chất đạo đức của người sinh viên hiện đại...nhưng tai tôi ù đi, không nghe được hết những gì thầy nói, thỉnh thoảng lén nhìn lên chỉ thấy bộ ria mép cắt tỉa rất kỹ vểnh lên vểnh xuống theo từng cử động của miệng thầy. Các tốp sinh viên Ru đang làm việc trong phòng thí nghiệm vô cùng ngạc nhiên về thái độ của thầy trợ giảng với chúng tôi, 2 người bạn Việt nam hiền lành vui tính mà họ rất quí mến. Không khí trong phòng thí nghiệm lúc đó căng như dây đàn, rất nặng nề, toàn bộ sinh viên không ai dám ngẩng lên.

    Tôi nhìn nhìn sang người bạn đồng hương, khuôn mặt vẫn đờ đẫn vì cú sốc quá bất ngờ. Mặc dù không tham gia làm báo cáo nhưng Thái rất yên chí về một kết quả tốt, nên giờ lại càng càng hoang mang hơn khi không hiểu chuyện gì đã xảy ra với quyển referate của chúng tôi, lại càng lo lắng khi thầy nói sẽ báo cáo với giáo sư về thái độ học tập, thế này thì chắc chắn chúng tôi sẽ gặp khó trong kỳ thi môn O&U tới đây rồi.

    Trước tình thế vô cùng nguy ngập, biết là không thể tìm được trợ giúp từ đâu nữa, tôi tự nhủ phải trấn tĩnh lại, không biết mình đã sai ở đâu nhỉ, nhưng tại sao thầy lại giận giữ như vậy. Có vẻ như báo cáo thí nghiệm chỉ là cái cớ để thầy trút tất cả sự không hài lòng dồn nén từ lâu với chúng tôi. Là trợ giảng cho giáo sư môn học, thầy vẫn thường xuyên theo dõi quá trình học tập của sinh viên, chắc thầy đã từng bắt gặp chúng tôi ra ngoài trong giờ giảng hay thực nghiệm. Đúng là cũng có đôi lần chúng tôi có đi muộn về sớm khi có tiết học vào đầu giờ sáng hoặc cuối chiều muộn, nhưng thường chỉ vào mùa đông khi buổi sáng rất lạnh, để đến được lớp đúng giờ luôn là một sự cố gắng phi thường và nhất là những chiều mùa đông khi thành phố đã sáng đèn, vào lúc đó ai cũng cảm thấy rét và đói, đầu óc rất khó tập trung để nghe giảng ( khổ nỗi là các tiết học môn O&U của thầy lại thường hay rơi đúng vào vào các thời gian này). Tôi lại nghĩ cũng có thể thầy biết chúng tôi không làm thí nghiệm mà tận dụng lại kết quả của các anh năm trước chăng, mà thầy cũng từng là sinh viên của khoa, chỉ học trên vài khóa thôi nên chắc thầy không còn lạ gì các mánh khoé này, đặc biệt với các sinh viên việt Nam trong khoa Hóa Silicat.

    Nhưng có gì sai ở đây, kết quả thí nghiệm của chúng tôi chắc chắn không thể sai được vì quả thật tôi đã tham khảo lại trên cơ sở tôn trọng nguyên tác từ một báo cáo năm trước, mà bài đó được điểm 10 hẳn hoi, mà lại do chính tay thầy chấm, mà thầy thì không thể sai. Hơn nữa, mặc dù sử dụng số liệu thí nghiệm cũ nhưng tôi cũng vẫn cẩn thận rà soát lại khá kỹ phương pháp và các bước tiến hành thí nghiệm, số liệu tính toán cũng như biểu đồ kết quả, và tất nhiên cũng không quên để chừa một vị trí rộng rãi cho điểm 10 mà thầy sẽ đặt vào đó. Nghĩ đến đây, tôi cảm thấy tự tin hơn và vội liếc sang đồ thị biểu diến kết quả trong cuốn sổ của thày rồi lại nhìn sang vở referate của mình, tôi chợt hiểu ra. Do cách biểu thị thông số thí nghiệm trên trục tọa độ khác nhau nên tuy đường cong có dạng ngược với biểu đồ của thầy nhưng biểu đồ kết quả của chúng tôi vẫn đúng. Trong lúc nóng giận , thầy đã nhầm lẫn khi kết luận chúng tôi làm sai dù chỉ mới nhìn qua dạng đường cong biểu diễn kết quả thí nghiệm. Những suy nghĩ này viết ra thì dài nhưng lúc đó nó chỉ lóe sáng trong đầu như một tia chớp. Trong giây lát, tảng đá đang đè trên ngực tôi rơi xuống, tôi thở gấp vì hồi hộp.

    Chờ thầy dứt mạch trì triết và nghỉ lấy hơi, tôi vội bật ra : « Xin thầy bớt giận ! nhưng trong biểu đồ này các giá trị của thông số A được thể hiện trên trục đứng, còn trên trục ngang… ». Qủa không hổ danh là bộ óc thông minh sắc sảo nổi tiếng trong khoa hóa Silicati, không chờ tôi nói hết câu, thầy sững đi trong vài giây, lập tức nhìn lại biểu đồ, rồi thầy nói nhanh, giọng hơi chùng xuống : « Aveti dreptate ! nào chúng ta cùng xem lại ». Và tất nhiên ngay sau đó một loạt các từ ngữ êm dịu liên tục vang lên theo đầu ngón tay thầy rà nhanh trên các dòng số liệu thí nghiệm và biểu đồ kết quả : « Asa… asa…bine... corect... perfect, foarte bine ! .….»

    Nhìn sang Thái, khuôn mặt chuyển dần từ tái sang đỏ do nhiều cảm xúc trái chiều, đan xen giữa vỡ òa mừng rỡ nhưng vẫn ngạc nhiên như không tin vào những gì xảy ra.

    Cho đến khi thầy đứng lên ra khỏi phòng, nhìn con 10 tươi rói nằm đúng vị trí chừa sẵn trong vở referate, chúng tôi mới tin là thật. Chúng tôi nhìn nhau, cảm giác như vừa được lôi lên từ giếng sâu, khoan khoái hít không khí đầy lồng ngực. Đám bạn Ru cùng lớp có mặt trong phòng chứng kiến sự việc cũng đều ngạc nhiên xôn xao không hiểu chuyện gì xảy ra, chúng tôi cười bảo không có gì cả, chỉ là ở hiền thì gặp lành thôi mà.

    Rất nhiều năm sau ngày chúng tôi tốt nghiệp về nước, Thái, anh bạn cùng nhóm thí nghiệm của tôi có dịp trở lại thăm trường cũ  Inst. Politechnic din Bucuresti. Nghe nói thầy trợ giảng cũ đang phải điều trị căn bệnh hiểm nghèo, anh có đến thăm thầy tại bệnh viên, khi đó thầy đã yếu nhưng vẫn nhận ra và cảm động khi gặp lại người sinh sinh viên cũ của mình đã vài chục năm không gặp, họ đã có 1 cuộc gặp gỡ rất xúc động và cùng lưu luyến nhớ về những năm tháng đã xa, về những sinh viên trẻ mặc dù đã có lúc làm thầy nóng giận, bối rối nhưng vẫn luôn kính trọng và biết ơn các thầy cô đã tận tình dạy dỗ. Sinh viên chúng tôi là như vậy đấy, một ngày là thầy, mãi mãi vẫn là thầy.

Hà nội 4 /11/ 2021

             Nguyễn Đức Lợi

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 10
  • 3488
  • 22,088,028