Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

KẾ HOẠCH TÁI CƠ CẤU KINH TẾ GIAI ĐOẠN 2016-2020

  13/08/2016

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 là tập trung thay đổi cấu trúc và trình độ của nền kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội, hiện đại hóa từng bước các ngành kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng suất các yếu tố tổng hợp và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; trên cơ sở đó, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn và có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn; thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu.

Ba mục tiêu thành phần của tái cơ cấu nền kinh tế bao gồm: Một là, đảm bảo tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô một cách vững chắc với lạm phát thấp và các nền tảng vĩ mô vững mạnh; và giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội và phát triển bền vững.

Hai là, cải thiện, nâng cấp trình độ phát triển các ngành kinh tế thông qua việc các ngành sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao từng bước thay thế các ngành công nghệ thấp, thâm dụng lao động và giá trị gia tăng thấp để trở thành những ngành kinh tế chủ lực của nền kinh tế.

Ba là, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập quốc tế và củng cố vị thế quốc gia trong quan hệ quốc tế; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Quan điểm chỉ đạo tái cơ cấu nền kinh tế 2016 -2020

Theo dự thảo, tái cơ cấu nền kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh đồng thời theo hai trụ cột bổ trợ và tăng cường lẫn nhau, bao gồm: Thứ nhất, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành kinh tế, nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của từng ngành và của nền kinh tế. Áp dụng chiến lược tái cơ cấu kinh tế ngành có trọng điểm, ưu tiên dành nguồn lực quản lý và sản xuất cho việc phát triển các ngành kinh tế ưu tiên và các địa bàn kinh tế trọng điểm. Thứ hai, đẩy mạnh cải cách toàn diện vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế, xây dựng Nhà nước kiến tạo, qua đó để thị trường có vai trò quyết định trong huy động và phân bổ các nguồn lực sản xuất. Tăng cường chấp nhận các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý và phát triển các ngành kinh tế, đặc biệt chú trọng việc áp dụng tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, chú trọng ban hành và thực hiện các hành động và giải pháp tái cơ cấu cụ thể, có thể đo lường kết quả và có tác động mạnh và kịp thời trên thực tiễn. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước là lực lượng chủ chốt thực hiện quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Các chính sách và biện pháp ưu tiên tái cơ cấu kinh tế cần được triển khai cụ thể ở cấp độ từng dự án đầu tư do các doanh nghiệp tư nhân khởi xướng và thực hiện.

Đồng thời với tăng trưởng kinh tế có trọng điểm, cần bảo đảm sự phát triển bao trùm và bền vững. Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững; ưu tiên mục tiêu trung và dài hạn, nâng cao chất lượng tăng trưởng; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống tiêu biểu, bảo vệ và thân thiện với môi trường, phát triển kinh tế xanh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng.

Tiếp tục mở cửa, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế; trong đó trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế; lồng ghép việc thực hiện các cam kết quốc tế với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong nước; tạo đồng thuận, thu hút sự hưởng ứng và tham gia tích cực của người dân và các thành phần kinh tế, nhất là khu vực tư nhân trong nước và nước ngoài để huy động được tối đa và sử dụng ngày càng hiệu quả hơn các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

10 nội dung tái cơ cấu

Theo dự thảo, Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 gồm 10 nội dung sau:

1- Ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô và nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường kinh doanh, thúc đẩy và hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế, góp phần tăng trưởng bền vững.

2- Tái cơ cấu các ngành kinh tế ưu tiên.

3- Tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, tập trung vào đổi mới căn bản thể chế và cách thức huy động, phân bố, quản lý và sử dụng vốn đầu tư xã hội.

4- Tái cơ cấu thị trường tài chính, tập trung vào các tổ chức tín dụng và các ngân hàng thương mại.

5- Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; nâng cao chất lượng doanh nghiệp tư nhân.

6- Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng quy mô, hiện đại, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và bền vững kết hợp với xây dựng nông thôn mới.

7- Thực hiện hiệu quả các chương trình đồng bộ hỗ trợ phát triển các cụm sản xuất liên ngành công nghiệp và dịch vụ; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, nâng cao hiệu quả và liên kết giữa các ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế.

8- Nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng đất đai trên cơ sở phát triển thị trường đất đai.

9- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi cho tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

10- Tái cơ cấu cung cấp dịch vụ công, đặc biệt là dịch vụ giáo dục, y tế và khoa học công nghệ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Tuệ Văn (chinhphu.vn)

 

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 18
  • 3999
  • 22,049,973