Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

HÀNH TRÌNH VỀ QUÊ, MỘT TOUR DU LỊCH ĐẦY CẢM XÚC –Tiếp theo và hết.

  24/08/2019

5- Hai ngày cuối cuộc hành trình :

Sáng 30/6, hai cặp đôi Trinh – Toàn, Đỉnh - Hoa có xe đón đi Oradea rồi sang Hung, tiếp tục cuộc du ngoạn một số nước Châu Âu. Còn tôi và đồng nghiệp Lê Nguyên Cẩn ở lại Cluj thêm hai ngày vì mồng 2/7 mới có vé bay thẳng từ Cluj. Vậy là có thêm hai ngày để thăm thú thành phố quê hương. Cùng lúc đoàn đi châu Âu chuẩn bị đi thì như đã hẹn, Suzana và chồng bạn ấy cũng đến đón chúng tôi đi chơi. Bạn hỏi chúng tôi muốn đi đâu ? Khó chọn nhỉ, đâu cũng muốn đi. Một buổi sáng cũng chỉ có thể đi một hai điểm. Tôi nói muốn xem một cái gì đó mới mẻ hồi xưa chưa có. 

OK. Vợ chồng bạn chở chúng tôi lòng vòng qua các phố, qua những danh thắng nổi tiếng ở trung tâm thành phố mà chúng tôi rất muốn nhưng chưa thăm lại được. Sau đó, các bạn đi thẳng lên một vùng mà chúng tôi chưa biết, đó là vùng đồi Făget. Chúng tôi đi lên một ngọn đồi không nhiều cây lắm. Trèo lên đỉnh đồi, chúng tôi có thể thấy cả một bức panorama thành phố Cluj trải dài, rất đẹp. Ngồi nghỉ ở một cái lán, các bạn chỉ cho chúng tôi xem những viên đá tròn, to có, nhỏ có. Các bạn nói rằng những viên đá có hình dáng như vậy ngay từ trong lòng đất (thỉnh thoảng cũng có viên hình khác những rất ít). Loại đá này chỉ có ở đây và ở Costesti (miền Nam Romania) được gọi là trovanti. Có khi do mưa, hòn đá tự thay đổi kích thước do cấu tạo bên trong chúng với tác động của nước bên ngoài, vì thế người ta còn gọi là những hòn đá biết đi. Sự việc này chúng tôi đã nghe nói nhưng bây giờ mới mục sở thị. Đang xem những hòn đá lạ thì các bạn chỉ cho chúng tôi một công trình khác. Ngay sườn đồi, một resort mọc lên, với một ngôi nhà mang hình dáng Disnayland thu nhỏ.

Có thể nói đây là khu sinh thái rộng gồm Wonderland Cluj resort, khu vực vui chơi cho trẻ em là Wondland nhỏ, chỗ thể dục, sân bóng, sân tennis, bể bơi, hồ bơi… đặc biệt, có cả khu để luyện ngựa, và về mùa đông, sườn đồi là nơi trượt tuyết vùa mới được nâng cấp thu hút rất nhiều khách du lịch của Cluj và các vùng khác đến. Tất nhiên, giá để nghỉ ở đây không thể rẻ.

Sau một hồi ngắn phong cảnh, chúng tôi đi về làng, quê hương của Suzana, nơi cha mẹ bạn đã từng sống. Tôi đã được đến chơi một số gia đình bạn Ru nhưng một ngôi nhà cổ trong làng thì chưa bao giờ. Đó là làng Feleacu (trước đây gọi là Feleac), một ngôi làng cổ nhất ở Cluj, nó có cách đây 650 năm. Ngôi làng cách trung tâm Cluj có 7 km. Trong xã có đến hai nhà thờ. Bên cạnh Nhà thờ lớn hơn xây sau này còn có Nhà thờ Sfântul Cel Mare được xây dựng cách đây hơn 500 năm, nay dành để làm bảo tàng. 

Con đường nhỏ ngoằn ngoèo dẫn chúng tôi đến một ngôi nhà mà theo chủ nhà, diện tích đất đến 2000m2. Phía trên đồi, cha mẹ Suzana đã trồng các loại cây ăn quả. Đất để xây dựng không nhiểu lắm. Căn nhà xinh xắn dựng trên nền đất cao gồm một bếp, nhà vệ sinh và hai phòng ngủ. Trần nhà rất thấp. Dường như hiểu nỗi băn khoăn của tôi, Suzana giải thích : hồi xưa, theo truyền thống, nhà chỉ hai buồng và trần thấp vì vấn đề sưởi mùa đông. Chất đốt rất đắt nên ai cũng chỉ xây nhà như vậy.

Phía trước căn nhà là dãy chuồng dành cho gia súc có ngăn riêng cho từng loại : chuồng gà, chuồng lợn, dê bò…Khác với ta, khu gia súc thường xây vuông góc với nhà chính. Ở làng Feleacu, dãy chuồng gia súc xây đối diện với nhà. Ở giữa vẫn còn một khoảng sân rộng. Không khí làng quê thật dễ chịu, nhiều cây cối, thoáng đãng, mùi cây cỏ thơm nhè nhẹ. Cũng như ở ta, nhiều ngôi nhà trong làng không ai ở, phải nhờ người trông nom.

Thăm thú một lúc, chúng tôi ra về. Vợ chồng Suzana mời chúng tôi về ăn cơm tại nhà của các bạn ở thành phố . Căn nhà lớn xây hợp lí, ngăn nắp. Cây trong vườn được trồng có trật tự, Ngoài sân có một lầu nhỏ bằng gỗ trong đó có lò nướng bằng củi và bộ bàn ghế lớn. Chúng tôi phụ chủ nhà bày bát đĩa ra đấy. Dan, chồng Suzana đốt lò, nướng món mici, còn Suzana thì nấu ciorbă bắp cải. Với sự khéo tay của ông bà chủ, chúng tôi được ăn món hai món mà chúng tôi thích từ thời sinh viên, và trong chuyến đi này, chúng tôi cũng tranh thủ mọi lúc để có thể ăn. Đến nỗi khi vừa vào nhà hàng, bạn phục vụ đã hỏi : ciorbă và mici ? Ăn uống no nê, Dan chở chúng tôi về khách sạn và hẹn tối đến đón đưa chúng tôi đi xem phố cổ về đêm. 
Gần 8 giờ tối mà trời vẫn sáng như ban ngày. Chúng tôi đi dạo Công viên Trung tâm. Ở đây rất đông người. Người địa phương thì đưa các cháu nhỏ đi dạo, du khách thì đi tham quan. Những cây phong cao tỏa bóng mát rượi, hương thơm phảng phất. Hồ giữa công viên vẫn đẹp, chỉ có vẻ như hơi hẹp lại vì các loại cây ven hồ đã cao lớn hơn nhiều. Hơn nữa, có rất nhiều xe đạp nước xếp một góc hồ. Trước những xe đạp nước là nhà hàng Chios, tấp nâp, sầm uất. Du khách ngồi ăn uống rất đông. Tòa Casino vẫn còn đó với đài phun nước ở sân trước. Nghe nói nó đã được tân trang lại vào năm 2012.

Lững thững trong công viên, chúng tôi chiêm ngưỡng một số bức tượng của các danh nhân Romania được tạc và dựng lên ở đây sau năm 1960. Thấy công viên có phần bị rào kín, các bạn giải thích việc này là để chuẩn bị cho lễ hội nhạc Jazz sắp tới. Năm 2014, một lễ hội như vậy đã được tổ chức ba ngày liền và nhiều người dân thành phố phải đi nơi khác để tránh tiếng ồn.

Trời đã tối. Chúng tôi ra Quảng trường Thống nhất (Piata Unirii). Vẫn khung cảnh cũ. Vẫn nhà thờ Saint-Mihail và tượng Matia Corvin trên lưng ngựa. Xung quanh, cũng vẫn những tòa nhà lớn ngự ở các góc phố : Viện bảo tàng Nghệ thuật, hai tòa nhà lớn bằng kính , một tòa trước đây là tòa thị chính, còn một tòa là Ngân hàng Nhà nước và một góc lớn là khách sạn Continentan. Tất cả vẫn thế. Chỉ khác là quảng trường trước đây được trang trí bằng hai thảm cỏ hai bên thì nay đã thay thế bằng những kios nhỏ bán đồ lưu niêm. Chắc là do nhu cầu tổ chức hội hè nên hai thảm cỏ bị bỏ đi. Như hôm nay chẳng hạn, một sân khấu nhỏ được dựng lên, các nghệ sĩ dân gian đang múa hát sôi nổi trên đó. Có thể thấy rõ sự Romania hóa khi nền văn hóa đa dạng (gồm văn hóa Hung, văn hóa Đức, văn hóa Romania) nay văn hóa Romania đã thắng thế. Được thành lập từ đầu thế kỷ XIII, thành phố đã trải qua nhiều thay đổi, lúc tốt, lúc xấu nhưng dấu vết của kiến trúc baroc, roman vẫn còn nhiều và xen vào đó là những tòa nhà theo phong cách hiện đại. Có thể thấy có chút hỗn tạp, nhưng làm sao được, phải chấp nhận thôi.

Còn một ngày cuối cùng của cuộc du hành, chúng tôi đắn đo mãi xem nên đi đâu. Xuống nhà ăn, tôi cũng có cảm xúc như sắp rời xa một nơi thân thuộc. Thức ăn ở khách sạn này cũng bình thường nhưng có một đặc điểm mà tôi rất ấn tượng, đó là khi dùng cà phê hay nước chè, sữa, bên cạnh đường thông thường, bao giờ cũng có một lọ đường ăn kiêng cho những người cần kiêng. 

Kết thúc bữa ăn sáng, chúng tôi đi đến đường Avram Iancu để Cẩn nhìn lại ký túc xá nơi bạn ấy đã từng sống. Nơi đây từ lâu đã trở thành khoa Luật. Nhìn Cẩn bồi hồi đứng ngẩn người ở đó. Tôi yên lặng đợi. Sau khi chụp mấy tấm ảnh, chúng tôi đi một số hiệu sách để tìm mua một số tư liệu cần thiết. Rút kinh nghiệm, chúng tôi mua những cuốn tối cần thiết. Không như hồi 2001, chúng tôi đã mua quá nhiều, làm khổ Phạm Quang Thu, lúc đó đang làm Tham tán Thương mại của Việt Nam ở Romania. Khi đến : Thu đón, khi về : Thu tiễn ra sân bay, lại còn lượng sách quá tiêu chuẩn, Thu phải dùng thẻ ưu tiên để giúp chúng tôi.

 Nhớ trường, chúng tôi lại đến đường Horea. Kìa sao các bạn lớp tôi hôm nay ai cũng tay trái cầm cặp, tay phải giữ cánh tay trái. Tư thế lạ lùng. Thì ra hôm trước tất cả sinh viên đều phải chủng đậu. Và ai cũng tìm cách đập vào chỗ đau của người khác. Sơ sẩy chút là bị đập liền. Chỉ có bạn Niên, không hiểu sao vẫn cười phớ lớ, tỏ ra không sợ hãi. Không hiểu bạn nam nào đó đã lấy tay đập từ cánh tay lên vai Niên. Ái. Một tiếng kêu thất thanh. Thì ra anh chàng ranh mãnh này đã xùy để cô y tá tiêm lên tít trên vai. Cả hội cười như được mùa. Cẩn hỏi tôi cười gì. Tôi bảo cười bọn lớp mình. Lúc này tôi mới nhớ ra Cẩn là người nghịch ngầm nhất hội. Một lần, anh Cương đi giày mới, bị đau chân nên anh tháo giày ra. Cẩn không chịu được mùi tất nên cậu ta ném một chiếc giày của anh lên nóc sobă (lò sưởi cao trong các lớp học). Cả lớp tìm không thấy mà Cẩn vẫn không nói gì. Anh Cương ra về với một chân giày một chân đất. ..Đùa dai đến thế thì thôi. 

Nhìn lại cổng trường lần nữa rồi chúng tôi mới tiếp tục đi. Thăm lại Nhà hát thành phố, thăm Quảng trường Avram Iancu và một số nơi cũng để lại nhiều ấn tượng như nhà văn hóa sinh viên, đặc biệt là Thư viện Trung Tâm Lucian Blaga, nơi chúng tôi mài đũng quần suốt năm năm. Tôi còn nhớ cứ đến thứ bảy, chủ nhật, chúng tôi phải đi sớm để lấy chỗ ngồi, mươn sách, nếu không sẽ hết. Mỗi cuốn sách cần đọc chỉ có khoảng 20 bản. Mà chúng tôi đọc rất chậm, có phải tiếng mẹ đẻ đâu. Tối đọc xong lại phải gửi lại, sáng mai lại đến sớm để đọc tiếp. Buổi trưa cũng mang đồ ăn nguội đi chứ không dám về kí túc xá.

Đã chiều muộn. Chúng tôi về lại khách sạn bên hồ Gheorgheni. Hồ Gheorgheni trong xanh, xung quanh bờ liễu rủ nhẹ đụng đưa theo chiều gió. Hồ này đã có từ hơn 600 năm nhưng khá hoang sơ. Mãi năm 1970 mới có kế hoạch sửa sang. Đến năm 2017, Thành phố cho xây một trung tâm thể dục thể thao lớn gọi là khu thể thao Gheorgheni, gồm 3 khu liên hợp bóng đá mini, ba khu liên hợp tenis hai sân bóng rổ, hai sân cầu lông và hai sân cát để chơi bóng chuyền bãi biển. Trường kỹ thuật xây dựng một bể bơi Olimpic 50 m dài và 25 m rộng. Như vậy, vùng Gheorgheni cũng được mở mang trở thành vùng vui chơi giải trí hấp dẫn vì quanh đó có những vườn quả lớn, có công viên Denunata rất rộng. Những năm gần đây, trường Khoa học kinh tế và quản lý thương mại cùng ký túc xá sinh viên Kinh tế I và II, và những cửa hiệu, siêu thị Auchan mọc lên, Vùng Gheorgheni thực sự trở thành khu đẹp và nhiều cây xanh nhất thành phố về phía Đông Nam.
Ngược lên phía Đông Bắc của trung tâm Cluj, Mărăsti là khu phố thay thế hẳn một ngôi làng cổ. từ những năm 70-89, khu phố được xây dựng chủ yếu cho công nhân và nông dân ở. Từ sau 2004, thành phố được nâng cấp về quản lý, sửa lại nhà, tạo không gian xanh cho dân chúng. 

Như vậy, phải nói Cluj Napoca mở rộng thành phố chủ yếu ở những vùng ven đô. Khoảng cách từ trung tâm đến những khu đó không xa mà lại tạo thêm nhiều những khu mới. Tất cả có 24 khu phố thì có đến 8 khu mới thành lập hoặc tái khởi động việc thành lập, nâng cấp do kinh phí hạn hẹp.

Nói như vậy không có nghĩa là khu trung tâm không được phát triển. Ở các khu phố, dân cư đông đúc hơn nhờ số lượng các trường đại học ngày càng nhiều, các ký túc xá càng nhiều, buôn bán, thương mại phát triển. Cái thành phố cổ có cấu trúc tưởng như hỗn độn này lúc nào cũng tấp nập các quán bar, quán cà phê, các câu lạc bộ được mở ra trong những năm gần đây làm cho thành phố không lúc nào ngủ, Cánh phải Quảng trường Thống nhất, nhiều con phố đã trở thành những phố đi bộ. Ở đây, tấp nập người vào ra. Đêm đến, điện thắp sáng lung lình. Và việc đóng góp vào sự phát triển khu Trung tâm chính là việc Tòa Thị chính thông báo bắt đầu tiến hành những thủ tục để xây bốn công viên mới với diện tích trên 55 ha cho người dân Cluj đặc biệt là những vùng thiếu cây xanh nhất. Như vậy là công viên Phía Đông, công viên Xin chào (Bună Ziua), công viên Bình Minh và vùng cây xanh của con Kênh Morii, phía công viên Hoa Hồng sẽ được triển khai trong những giai đoạn khác nhau.

Theo lời các bạn tôi kể lại, nhà cửa, đất đai ở Cluj rất đắt. Vì ở Cluj có rất ít người thất nghiệp. Hầu như ai cũng có việc làm. Chính quyền sở tại (phổ thông đầu phiếu) rất được lòng dân chúng vì họ trả lương cao cho những người làm công ăn lương. Cuộc sống viên chức ổn định hơn, không như những năm 2000, khi chúng tôi đến đây. Lúc ấy dân kêu ca rất nhiều vì đời sống khó khăn, chất đốt quá đăt đỏ. Với đồng lương lúc đó người dân rất lo khi mùa đông đến.

Quê hương thứ hai của chúng ta đấy. Sự thay đổi của Cluj là như vậy. Chúng tôi không thể quan sát hết được. Chỉ biết chúng tôi yêu Cluj vô cùng. Vẫn còn một nơi tôi muốn mà chưa đến được, đó la Cetate cổ (tường thành). Hồi xưa, những ngày rỗi rãi, chúng tôi hay rủ nhau lên đó chơi, hóng mát. Không hiểu bây giờ nó ra sao. Còn ít thời gian, chúng tôi không thể đến nơi đó được. Chúng tôi đi mua vài vật kỷ niệm cho gia đình, bạn bè rồi 5h30 chiều, bạn Monica đưa chúng tôi ra sân bay, mặc dù mẹ của bạn 93 tuổi đang ốm rất nặng. Mai chúng tôi trở lại Việt Nam, lòng vẫn nặng trĩu nỗi nhớ nhung. Không biết có còn cơ hội trở lại lần nào nữa không. Tôi rất thấm thía câu nói của anh Lê Quang Cộng, cựu Tham tán Sứ quán ta tại Bucuresti khi năm ngoái anh cùng vợ sang thăm lại Cluj : “Anh đã ra tới sân bay, sực nhớ ra điều cần thiết, anh bắt taxi quay lại trước cổng khoa Văn. Anh muốn nhìn lại trường một lần nữa vì không biết có còn cơ hội quay lại đây nữa không. Tâm trạng của anh giống hệt tâm trạng của chúng tôi lúc này. Nhưng dù sao, năm nay chúng tôi đã làm được một việc rất có ý nghĩa : Gặp mặt sau bốn mươi lăm năm ra trường. Cảm ơn trường, cảm ơn các bạn. Cảm ơn Công ty Du lịch Quốc tế Nụ Cười Việt đã tổ chức cho chúng tôi một tour mà theo một người bạn của tôi nói thì " vừa có tâm, vừa có tầm". Tạm biệt Cluj - tình yêu của chúng tôi.

Hà Nội ngày 15 tháng 7 năm 2019.

Lê Phong Tuyết

 

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 3
  • 579
  • 22,187,996