Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

HÀNH TRÌNH VỀ QUÊ, MỘT TOUR DU LỊCH ĐẦY CẢM XÚC- P4/1

  13/08/2019

4. Về quê.1.

Không còn nhiều thời gian nữa. Đã là 26 tháng 6, mà lịch họp mặt đã định trước vào 28 và 29 tháng 6. Từ Bucuresti, chúng tôi phi về Cluj. Tất nhiên lái xe cũng chạy rất cẩn thận. Đến mỗi thành phố, chúng tôi vẫn dừng lại ít lâu để chụp ảnh lưu niệm.

Chạy khoảng hơn một giờ, chúng tôi đi qua Ploiesti, nơi tôi đã có lần đến chơi. Cách thủ đô Bucuresti khoảng 50 km về phía Bắc, đây từng được coi là thủ đô dầu lửa của Romania. Sau cách mạng 1989, dầu mỏ bị cạn nhưng thành phố được vực dậy dần và đến năm 2000, nó trở thành một cực phát triển nhờ nằm ở vị trí ngã ba của hệ thống đường sắt và nhờ giao thương phát triển khi cách không xa thủ đô. Đây không phải là điểm dừng trong chương trình. Chỉ nhìn qua ô cửa xe, tôi thấy thành phố lớn hơn nhiều so với lần tôi đến. Chắc thành phố đã được mở rộng hơn. Tôi không chắc lắm nhưng tôi có cảm tưởng thế. 

Đến Sibiu, chúng tôi dừng lại chụp ảnh và thăm thú trung tâm thành phố. Đây là một trong những thành phố lớn của vùng Transilvania. Từ thế kỷ XII đến giữa thế kỷ XIX, Sibiu là của người Đức, nhưng người Đức đã bị trục xuất dần và đến năm 2011, trong số 147.245 người dân chỉ còn 1.481 người Đức. Dưới thời Nicolae Ceausescu, Sibiu không hề bị tàn phá, bị bê tông hóa gì bởi người lãnh đạo vùng này là Nicu Ceausescu, con trai của cố chủ tịch nước. Sau khi tái lập nền Dân chủ, Sibiu mở rộng giao lưu với châu Âu và nhất là khi Romania trở thành thành viên Cộng đồng châu Âu, thành phố phát triển nhanh và mạnh. Nhờ sự phát triển đó mà Sibiu được UNESCO công nhận là thành phố văn hóa của Châu Âu. Chúng tôi đi thăm trung tâm cổ của Sibiu, chiêm ngưỡng nhà thờ Tin lành, nhà thờ Orthodoxe quảng trường lớn, quảng trường nhỏ, đi thăm cầu Nói dối (sở dĩ có tên này vì cây cầu nhỏ dành cho người đi bộ này nối quảng trường nhỏ với quảng trường Huetz không có cột, trong tiếng Đức nó được gọi là Liegenbrücke, chỉ có nghĩa là cầu nối, nhưng từ này lại đồng âm với từ Lügenbrücke nghĩa là cầu của sự dối trá, nghĩa là những đôi yêu nhau thề thốt trọn đời trên cầu này chỉ là lừa dối).Thăm thú xong, chúng tôi vào ăn trong một nhà hàng cổ với những tấm áo dân tộc, hình trang trí rất cổ, nhưng món truyền thống thì mặn khủng khiếp và cô tiếp viên có gương mặt xinh đẹp nhưng nặng như đá đeo vì bị chê thức ăn. Sau bữa ăn, chúng tôi về Alba-Iulia, nơi chúng tôi sẽ nghỉ đêm tại khách sạn bốn sao Transilvania.

Sáng 27/6/2019, hướng dẫn viên đưa chúng tôi đi thăm nhiều nơi ở TP Alba Iulia. Có thể nói Alba-Iulia đẹp như cổ tích : Nhà thờ Reintregirea Neamului, thăm Nhà thờ thánh Michel, tượng đài Horea. Nhưng điểm quan trọng nhất của vùng này là thành cổ Alba-Carolina. Thành cổ hình ngôi sao, được xây dựng trong khoảng những năm 1715-1738. Thành cổ có diện tích 110 hecta được bảo vệ bởi ba tường thành, 7 pháo đài và 6 lũy. Quan trọng nhất là chính nơi đây, ngày mồng 1 tháng 12 năm 1918, ngay sau cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, đại diện các vùng đất Romania đã tập trung để tuyên bố liên minh Transylvania với vương quốc Romania thành nước Romania thống nhất. Ngày này, từ sau năm 1991, được lấy làm ngày Quốc khánh nước Romania.

Sau bữa cơm trưa, chúng tôi lên đường về Cluj. Từ Alba-Iulia về Cluj chỉ hơn trăm km. Khoảng 4h chiều chúng tôi đã vào đến ngoại ô thành phố. Ai nấy đều hồi hộp. Hồi hộp đến nghẹt thở. Sắp đến cái nơi chúng tôi đã trải qua năm năm đẹp nhất của cuộc đời con người. Năm năm, biết bao niềm vui, biết bao khó khăn trong học tập, cuộc sống, biết bao kỷ niệm. Ai cũng quay trái quay phải để nhìn. Tim đập thình thịch. Trước mắt chúng tôi là những hàng cây không quá cao. Chúng tôi có thể nhìn thấy những ngôi nhà, những mảnh vườn thấp thoáng. Xa hơn nữa, những khu cây ăn quả của nông trường trải dài xanh mướt. Chắc đây chưa phải là những khu rừng gần ký túc xá của chúng tôi ngày xưa. Nhưng sao tôi cứ nhìn thấy những cây mận, cây lê, cây táo trĩu quả. Tôi thấy mấy em năm dưới khoa Kinh tế Thu, Thiềng, Thiêm, và cả cô bạn thân của tôi, Triệu Thị Liêm cùng mấy bạn nam đang hái mận, hái táo ăn ngấu nghiến. Những cô em gái nghịch ngợm, chạy nhảy khắp nơi. Những túi đồ ăn nguội do nhà ăn phát cho để ăn ngày thứ bảy, chủ nhật, được ngả ra. Chúng tôi ngồi ăn vui vẻ, nhưng bụng đã đầy các loại quả, còn ăn được bao nhiêu. Vừa ăn vừa đùa. Thế mà cũng phải chiều muộn chúng tôi mới chịu về, ai cũng xách một túi đầy các loại quả. Thực ra, đây là quả của nông trại, nhưng các bác bảo vệ không bắt bẻ chúng tôi, chắc các bác thương bọn sinh viên nước ngoài xa nhà, thích hoa quả. Tôi nhớ các em quá. Giá các em cùng đi với chị như ngày xưa thì vui biết mấy. Nước mắt tôi chực chảy ra. Thương Liêm vì bệnh mà mất cách đây đã dăm năm. Cô gái Nùng đầy nghị lực vẫn như đang nheo đôi mắt bồ câu chọc tôi không biết trèo. Ừ thì tôi không biết trèo thật, nhưng sao lại phải trèo khi quả trĩu cành, sà xuống tận tầm tay tôi nhỉ. Miên man với dòng ký ức, sực tỉnh lại đã thấy xe vào thành phố…

Chúng tôi căng mắt ra hi vọng có thể nhìn thấy những con đường thân quen, những công trình kiến trúc cổ kính, những cửa hàng xưa… Nhưng chịu, không thể nhận ra bất cứ thứ gì. Thật nản lòng khi mỗi con phố chạy qua, vẫn không thấy có nét gì thân thuộc. Chẳng nhẽ thành phố quê hương mình đã thay đổi đến thế ư? không có lẽ. Nhìn lại, anh Đỉnh phát hiện ra là lái xe đi đường khác, không đi trên những con đường xưa chúng tôi hay đi, bởi khách sạn nơi chúng tôi ở thuộc khu Gheorgheni, phía Đông Nam thành phố, khá xa khu ký túc xá chúng tôi từng ở. Thế là đã về quê. Biết bao cảm xúc lẫn lộn. Chúng tôi nhận phòng, sốt ruột muốn đi thăm phố ngay, nhưng đã hơn một tuần rong ruổi, mệt quá. Mà mai chắc cũng là một ngày bận rộn. Vậy là nghỉ ngơi chút xíu rồi ăn tối xong, chúng tôi đi ngủ. Ngày mai là ngày đâu tiên của Lễ gặp mặt, không có thời gian cho bất cứ việc gì.

Cuộc gặp mặt sau 45 năm ra trường của sinh viên khoa ngữ văn khóa 1969-1974. 
Ngày thứ nhất :

Sáng ngày 28/6/2019, chúng tôi tập trung tại một phòng Tiberiu Popoviciu nhỏ, xinh xắn trong khoa văn trường Tổng hợp Babes - Bolyai tại số nhà 31 đường Horea. Run run vì hồi hộp và xúc động, chúng tôi ngắm nhìn ngôi trường đã gắn bó với mình suốt năm năm thời thanh xuân. Cổng trường và khuôn viên vẫn như xưa. Vẫn cổ kính với hai bức tượng hai danh nhân ở hai bên : Bên này là Nicolae Olahus (1493-1568). Ông là một linh mục, nhà sử học, nhân văn học nổi tiếng gốc Romania. Bên kia là tượng của Dimitrie Cantemir (1673-1723), một đức ông người Moldova, viện sĩ Viện Hàn lâm Berlin. Có thể nói ông là nhà bác học của thế kỷ, quan tâm và hiểu biết nhiều lĩnh vực : viết Bách khoa thư, nhà địa lý, nhà dân tộc học, triết học, nhà sử học, nhà ngôn ngữ học...đặc biệt, ông nói và viết thành tạo 11 thứ tiếng).

Khoảnh vườn vẫn giản dị như xưa. Chúng tôi ai cũng xúc động, cứ nhìn kỹ từng nhành cây, ngọn cỏ như để tìm lại vết tích trước đây. Lối dẫn vào trường chúng tôi đi mòn chân vẫn vậy. Rồi bị dục vào họp, chúng tôi vội vàng chụp ảnh trước cổng trường, chụp với những bức tượng. Mãi mới dứt ra được. Bước chân vào hành lang trường, nhìn thấy những em sinh viên trẻ trung, xinh đẹp, chúng tôi lại nghĩ tới thuở xa xưa, khi mình mới bước vào trường, trẻ trung và đầy bỡ ngỡ. Chúng tôi nhìn các em, cảm thấy rất xúc động, còn các em cũng nhìn chúng tôi, ánh mắt tò mò. Trong tâm trí của lớp sinh viên trẻ này, không còn hình bóng của những người bạn Việt Nam. Đi dọc những hành lang, chúng tôi thấy phòng học nào cũng đang có giờ học. Đây cũng chính là những phòng chúng tôi học ngày xưa. Trong kí ức lại ùa về những kỉ niệm. Vừa học hai tiết ở phòng này, tranh thủ giải lao 5 phút, sinh viên lại phải lao nhanh sang phòng khác để học môn khác. Ở đây, người ta bắt sinh viên đổi phòng chứ không bắt giáo viên phải chạy. Có buổi học 6 tiết, ba môn, thì học ở 3 phòng khác nhau. Nhìn phòng học nào cũng thấy thân thuộc nhưng đang là giờ học của các sinh viên, chúng tôi chỉ dám nhìn qua rồi đi Khung cảnh vẫn như xưa, không có gì thay đổi, chỉ thay đổi thế hệ học trò. 

Phòng họp đã đông các bạn. Chúng tôi bước vào, có e dè một chút, nhưng rồi vui mừng, ôm hôn nhau mãi không thôi. Một số bạn tôi không thể nhận ra. Nhưng có một số bạn thì như đã quen thân lắm vì đã liên lạc với nhau trên facebook. Vừa ríu rít chào hỏi, ôm hôn nhau, chúng tôi vừa nhìn nhau, cố tìm lại những nét thanh xuân xưa ở những người bạn của mình. Cũng may, trên màn hình lớn, cùng với dòng chữ Cuộc gặp mặt 45 năm tốt nghiệp - Khoa Văn, UBB (Trường Tổng hợp Ba bes-Bolyai), Cluj – Napoca –năm 1974, các bạn đã đưa những tấm ảnh chúng tôi thời còn là sinh viên và cả ảnh thời hiện tại để chúng tôi có thể nhận ra nhau. Những lời hỏi thăm, những cái ôm, hôn liên tục luân chuyển tưởng không bao giờ dứt. Đã hơn một tiếng trôi qua mà không ai yên vị. Bỗng tiếng bạn Trường ban Tổ thức Monica Ioani vang lên, đề nghị trật tự. Ngài Đại sứ nước CHXHCN Việt Nam và ông Chủ nhiệm khoa văn bước vào. Monica tiếp tục tuyên bố lý do buổi họp mặt hôm nay và giới thiệu những thành viên của Chủ tịch đoàn gồm có : Ngài Đại sứ Đặng Trần Phong, Chủ nhiệm Khoa văn GS. TS. Corin Braga, GS. TS. Rodica Baconski, ông Bùi Trọng Đỉnh, PCT Hội Hữu nghị Vietnam-Romania và PSG. TS. Lê Nguyên Cẩn, trường ĐHSP Hà Nội cùng Trưởng ban Tổ chức Monica Ioani. Đầu tiên, chúng tôi nhất loạt đứng dậy hát bài ca sinh viên: 

Gaudeamus igitur

Iuvenes dum sumus...

Vivat academia

Vivant professores...

Đây là bài hát bằng tiếng Latinh thường được sinh viên hát khi tốt nghiệp. Trước khi ra trường, các sinh viên năm trên cứ đi quanh trường hát, đến lớp nào cũng dừng lại một chút để hát. Đến lượt chúng tôi cũng vậy. Khi bài hát kết thúc, sau một phút mắc niệm những thày cô giáo và bạn bè đã mất, sau lời chào và giới thiệu của GS Chủ nhiệm khoa Corin Braga, Ngài đại sứ Đặng Trần Phong phát biểu tỏ lòng biết ơn nhân dân và chính phủ Romania đã đào tạo cho Việt Nam nhiều thế hệ sinh viên : "Gần 4.000 sinh viên Việt được đào tạo ở Rumani là tài sản quý. Nhân dân Việt Nam và nhân dân Romania là những người bạn. Xin cảm ơn sâu sắc chính phủ Romania, các trường đại học, trong đó có trường Tổng hợp Babes - Bolyai đã đào tạo cho chúng tôi nhiều sinh viên trong đó sau này có người đã trở thành cán bộ cấp cao. Buổi họp hôm nay luôn nhắc nhở chúng ta về tình bạn, không chỉ chúng ta mà cả nhũng thế hệ sau. Hiện mỗi năm có khoảng hai chục sinh viên Việt sang học ở đây. Chúng tôi mong sẽ có sự hợp tác giữa các trường đại học của hai nước. Chúng tôi hy vọng các bạn sẽ thăm nước chúng tôi. Chúng ta giữ mãi tình bạn thủy chung giữa hai dân tộc. Cảm ơn các bạn đã cho tôi vinh hạnh được phát biểu hôm nay" (Chắc ngài Đại sứ quên : chúng ta, nếu có thể, thì đã là tài sản quý của dân tộc)

Sau lời phát biểu của Ngài Đại sứ, ông Bùi Trọng Đỉnh đã có bài phát biểu và công bố quyết định của Hội trao tặng Bằng khen cho Khoa Ngôn ngữ và Huy hiệu Hữu nghị Việt Nam – Rumani cho hai bộ môn và các thày cô giáo đã có công dạy dỗ chúng tôi. Trong không khí long trọng, Ngài Đại sứ đã trao tặng Bằng khen của Hội cho Khoa Ngôn ngữ; trao tặng Huy hiệu Hữu nghị cho hai Bộ môn Tiếng Pháp và tiếng Ru; gắn  Huy hiệu của Hội Hữu Nghị cho GS.TS. Rodica Baconski, dạy văn học Pháp thế kỷ XX, đã tám mươi tuổi. Còn GS. TS. Sara Iercosan, dạy môn tiếng Ru (cú pháp), vắng mặt vì lý do sức khỏe, nên ông Chủ nhiệm Khoa thay mặt nhận giúp. Tiếp theo, các cựu sinh viên Việt nam Khoa Văn tặng hai bức tranh thêu phong cảnh Việt Nam cho Bộ môn tiếng Pháp và bộ môn tiếng Rumani.

Cuối phần lễ, PGS, TS Lê Nguyên Cẩn đã phát biểu và giới thiệu về một số công trình nghiên cứu, dịch thuật của ông về văn học Romania đã được xuất bản: Văn học Romania giản lược (NXN ĐHSP, 2011), Thi pháp chủ nghĩa hậu hiện đại (d. của Liviu Petrescu, NXB. ĐHSP Hà Nội, 2011), và mới đây nhất là tiểu thuyết Khu rừng của những người bị treo cổ của Liviu Rebreanu, (2018, nxb văn học). Ngoài ra, PGS, TS, Lê Nguyên Cẩn còn tham gia viết bài cho hai số tạp chí Văn học Nước ngoài của Hội Nhà văn Việt Nam về văn học Romania.

Ngay sau đó, các cựu sinh viên Việt Nam tặng quà các bạn học của mình. Những món quà nhỏ như khăn silk, cà vạt được tặng cho tất cả các bạn cùng học và vợ (hoặc chồng) đi kèm. Giá trị vật chất không lớn nhưng không khí thật vui vẻ, ấm cúng. Các bạn giở khăn ra, quàng lên cổ mình và reo lên thích thú. Có bạn nam bỏ luôn chiếc cà vạt ra đeo vào cổ…

Lúc này đã đến giờ chụp ảnh lưu niệm. Chúng tôi ra ngoài sân trường, nơi có chiếc cầu thang lên từ hai phía. Cũng tại nơi đây, khi tốt nghiệp chúng tôi đã chụp những tấm ảnh kỷ niệm và bây giờ chúng tôi lại ra đây. Tôi và Hoa cố tìm cách đứng chỗ ngày xưa, cách đây 45 năm mình đã từng đứng. Chỉ tiếc thiếu nhiều bạn quá. Chúng tôi đổi chỗ, chụp toàn thể, từng nhóm... thi nhau chụp. Tôi, Cẩn và Hoa còn chụp chung một cái kỷ niệm ở nơi mình đã đứng xưa kia. Cũng phải rất lâu đám đông mới giải tán. Chúng tôi phải ra về, chuẩn bị cho bữa tiệc chiều sẽ bắt đầu vào lúc ba giờ.

Buổi tiệc được các bạn sở tại chuẩn bị rất chu đáo, chuẩn tiệc phương Tây. Đầu tiên là món khai vị nguội gồm rượu sâm banh hồng, rượu vang đỏ, với một đĩa đồ ăn nguội gồm 10 loại thịt và pho mai, rau các loại: xúc xích tẩm bột rán, thịt ba chỉ cuộn nấm, thịt xông khói, cơm cuộn trứng cá, trứng, quả ô liu, xalát…
Vừa ăn, mọi người vừa lần lượt đi chúc rượu bạn bè ở các bàn khác. Ăn thì ít mà nói cười thì nhiều. Hình như không mấy ai thấy đói.. Những e dè lúc đầu của các cựu sinh viên Việt nam tan biến. Chúng tôi hòa vào không khí vui vẻ, cười nói rôm rả. Đúng là những người bạn lâu ngày gặp nhau.

Lại Monica dừng không khí ồn ào khi cất tiếng : chú ý. Tất cả quay về phía cô bạn có gương mặt xinh đẹp : để chúc mừng các bạn Việt Nam đến từ rất xa, chúng ta có món quà nhỏ để tặng các bạn làm kỉ niêm. Ai cũng ngạc nhiên. Không ngờ các bạn lại chu đáo đến vậy. Hai bạn nữ Tuyết và Hoa được tặng mỗi người một áo ie (áo dân tộc của phụ nữ Ru). Thật thích. Nhìn chiếc áo, tôi nghĩ tới Doina Badea với bài hát mà tôi thường hay hát :

Unde esti băiete, unde umbli măi

Nu mi-e dor de tine, doar de ochii tăi. 

Te găsesc baiete, oriunde-ai umbla 

Nu te vreau pe tine, doar inima ta 

(Hỡi chàng trai, anh ở đâu, dù anh có đi đâu

Em không nhớ anh, mà chỉ nhớ đôi mắt anh

Hỡi chàng trai, em sẽ tìm thấy anh, cho dù anh có đi đâu

Em không muốn anh, mà chỉ muốn trái tim anh)

(Khi về nhà, tôi biểu diễn cho ông xã xem chiếc áo, chàng bảo trông tôi rất giống phụ nữ Ru, sau một lúc … giống một bà nông dân Ru?!). Ngoài áo dân tộc, còn những món quà nhỏ khác nữa. Có bạn tặng những chiếc mũ nhỏ xinh xinh, sản phẩm của Maramures. Các bạn lớp tôi thật chu đáo. Họ cũng không quên những souvenirs nhỏ cho các anh chị cựu sinh viên Việt Nam còn lại. Không khí vui vẻ vẫn tiếp diễn. Lại cười, nói, lại ôm hôn nhau để cảm ơn.

5 giờ chiều. Món thứ hai - món khai vị nóng, được đưa ra. Rượu vang trắng và món cá tẩm bột rán với lát chanh. Ai nấy lại ngồi vào bàn thưởng thức món này. Hương vị cá thơm phức với sắc đen của những quả oliu nhỏ và sắc vàng của những củ cà rốt baby trông đẹp mắt. Lác đác có những bạn đã ra sàn rộng để nhảy. Đôi anh Đỉnh – Hoa, chị Toàn – Trinh cũng tích cực tham gia. Người nhảy, người túm năm tụm ba tại các bàn nói chuyện, chụp ảnh, chẳng mấy chốc đã 7 giờ chiều. Giờ mới là món ăn chính : Thịt gà tây xốt tiêu xanh và thịt lợn xốt phomai với các loại quả ớt, cà rốt nướng. Món ăn chính đầy đủ dinh dưỡng cho những người đói sau những bài nhảy. Rượu vang các loại được ấp đầy những cốc vơi. Nước ngọt, nước khoáng mát hễ hết lại có. Mọi người lại ăn. Chuyện vẫn rôm rả. Lúc này, một đoàn văn công dân tộc địa phương xuất hiện. Các bạn lớp tôi thật đã nghĩ ra được tiết mục đặc sắc. Tài tổ chức của các bạn không chê vào đâu được. Sau vài tiết mục do các diễn viên múa biểu diễn, các bạn của chúng tôi cũng vào nhảy cùng. Tiết mục nhảy tập thể thật vui và hấp dẫn. Chỉ tiếc lúc đó tôi mệt nên xin về nghỉ, chỉ văng vẳng nghe tiếng nhạc từ dưới phòng ăn vọng lên.

Buổi lễ chỉ kết thúc lúc 9h tối, các bạn ra về để còn tiếp tục chương trình vào ngày hôm sau.

Lê Phong Tuyết

 

 

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 8
  • 20
  • 21,934,094