Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

GẶP LẠI CÔ GIÁO SAU BAO NĂM XA CÁCH

  30/05/2023

11 giờ ngày 16 tháng 2 năm 2023 là ngày đáng nhớ đối với tôi. Đó là ngày tôi gặp lại cô giáo vô cùng kính yêu của tôi, cô Hoàng Xuân Sính, sau hơn ba mươi năm xa cách. Mục đích chính ra Hà Nội lần này là để gặp Cô. Khó khăn lắm tôi mới xin được số điện thoại của Cô. Tôi nhắn tin xin được gặp Cô và nhận được phản hồi ngắn gọn, thân thương và toán học: “Em đến gặp”.
Tôi lao vào thang máy, xuống lầu 1, đặt taxi Grab và nhảy tót lên xe, giục tài xế đi mau về Đại Học Thăng Long, như thể sợ mất cơ hội hiếm hoi, quên rằng mình đã ở tuổi 82. Gõ cửa xin vào phòng họp. Được phép, tôi hồi hộp bước vào phòng, tôi khựng lại một lúc vì thấy Cô đang điều khiển cuộc hộp với bốn vị cao tuổi, sau này tôi mới biết đó là cuộc họp của Hội Đồng Quản Trị Trường Đại Học Thăng Long.
Tôi ngại ngùng mở lời:
- “Xin lỗi tôi làm phiền quý vị”.
Cô Sính nhanh nhẹn và rõ ràng:
- “Em vào đi, không sao cả, chúng tôi đang giải lao”.
Tôi mừng rỡ bước lại gần Cô, chậm rãi nói rõ ràng từng chữ:
- “Em là Trúc đây”.
Một thoáng nhìn tôi, Cô cao giọng như mỗi khi giải thích điều gì quan trọng của bài giảng:
- “Trúc, Trần Đình Trúc”.
Vui sướng vỡ òa, chúng tôi ôm hôn như hai chị em lâu ngày mới gặp lại. Và thật bất ngờ, sau mấy lời ngắn gọn giới thiệu về tôi và về bốn vị cao niên (giáo sư, bác sỹ tiến sỹ y khoa, phó chủ tịch HĐQT Phạm Huy Dũng, em út của thầy Phạm Huy Thông, Ông Nguyễn Hữu Đăng, kỹ sư của Vietel, UV HĐQT,… ), Cô bắt đầu kể về những kỷ niệm của chúng tôi. Lúc này tôi thật sự xúc động và bị cuốn hút vào câu chuyện hồi ức của Cô về quá khứ xa xôi. Cô bắt đầu kể về những ngày tháng gian khổ sống và làm việc ở trường Đại Học Tổng Hợp Phnom Penh, Cambodia vào năm 1985.
- “Hồi đó tụi tôi sống vô cùng cực khổ ở một ngôi nhà gần trường, không có hệ thống nước máy, chỉ có giếng nước và phòng tắm làm bằng mấy tấm tôn ở bên cạnh giếng. Anh chàng này đã múc nước giếng từ tầng trệt mang lên phòng tôi ở tầng một để tôi tắm.”
Cô dừng lại như cố nén những ký ức tràn về, rồi Cô tiếp:
- “Hồi chúng tôi sơ tán về Phù Cừ - Hưng Yên năm 1965, chính anh chàng này chỉ huy sinh viên, cứ 3 ngày dựng lên một ngôi nhà tre nứa lá để làm lớp học và nhà ở cho các thầy cô cán bộ giảng dạy của khoa, và khoa Toán đã khai giảng năm học đầu tiên sơ tán về nông thôn 1965-1966 đúng kế hoạch. Tôi thật sự không hiểu các bạn trẻ của chúng ta lấy đâu ra năng lượng để làm được những việc phi thường như vậy.”
Thấy cô dừng lại tôi liền xen vào:
- “Thưa cô, chính chúng em cũng không hiểu vì sao lúc đó ăn không no, mặc không đủ ấm, ở tạm bợ trong nhà dân, máy bay Mỹ đã bắt đầu bắn phá thị xã Hải Dương và các trận địa tên lửa gần sát nơi sơ tán, nhưng chúng em không thấy sợ, không thấy khổ, cũng không thấy khó và không hề nản chí, việc gì được giao chúng em cũng cố làm bằng được”.
Cô nhanh chóng tiếp tục mạch suy nghĩ:
- “Nhớ một lần tôi có việc phải về Hà Nội một tuần, tôi nhờ Trúc trông nôm con chó cưng của tôi và Trúc đã lo rất chu đáo. Cho đến bây giờ tôi vẫn không sao hiểu nổi với phần ăn ít ỏi không đủ cho bản thân làm sao anh chàng này lại có thể lo chu đáo con thú cưng của tôi”
– Cô dừng lại, tôi cũng không hiểu vì sao. Tôi sững sờ và lúng túng vì tôi đã hoàn toàn không nhớ chuyện con thú cưng của Cô nếu Cô không nhắc tới. Tôi thật sự vui vì ở tuổi 90 Cô vẫn minh mẫn và nhớ cả những chuyện không có gì đặc biệt. Cô sôi nổi hơn:
- “Không cần thêm thắt gì hết, chỉ cần ghi tại những điều tôi vừa kể là đủ cho một câu chuyện hay và thật sự xúc động”.
Tôi nhanh nhảu:
- “Lúc ấy em sẽ dành một chương viết về Cô.”
- Cô vui vẻ: “Tôi thì có gì mà viết?”
- Tôi đặc biệt hào hứng: “Có chứ! Cô là trung tâm trong câu chuyện của chúng em mà, và đặc biệt hôm nay trông Cô trẻ hơn lần gặp cách đây hơn 30 năm!”
- Cô cười vui vẻ: “Anh chàng này cũng biết “nịnh” đấy!”
Và không khí trước lạ sau quen, các vị cao niên bắt đầu cởi mở hơn, tham gia góp chuyện. Đặc biệt bác sỹ Phạm Huy Dũng hăng hái kể về kỷ niệm công tác ở Camodia vào đúng giai đoạn tôi và cô Sính cùng giảng dạy ở Đại Học Tổng Hợp Phnom Phenh. Chuyện nọ xọ chuyện kia, đôi khi có chút hài hước và rất cởi mở thân tình. Thời gian trôi nhanh, thoáng chốc đã hai tiếng đồng hồ trôi qua. Đành phải dừng lại và chia tay lưu luyến hẹn ngày gặp lại.
Tôi đỡ Cô giáo đứng lên khỏi ghế, Cô bước đi chậm rãi, trong vòng tay tôi ra đến tận cầu thang máy, xa đến vài chục mét. Hai chị em ôm hôn như không muốn rời nhau. Rồi tôi cầm tay Cô hôn lên làn da đã nhăn nheo nhưng vẫn ấm áp, chầm chậm buông ra và bước vào thang máy. Cửa thang máy từ từ khép lại. Tôi như muốn lao ra đỡ Cô vì lo cô không ổn nếu phải đi một mình.

- Trần Đình Trúc - Hà Nội, tháng 02/2023.

 

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 3
  • 1477
  • 22,362,972