Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

DIỄN ĐÀN PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM 2017

  22/06/2017

Ngày 22/6, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức Diễn đàn “Phát triển doanh nghiệp Việt Nam 2017”.

Diễn đàn thu hút sự tham gia của 300 đại biểu từ các cơ quan Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, các hiệp hội, các tổ chức quốc tế và các nhà báo… Diễn đàn được tổ chức dưới sự điều phối của TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cùng sự tham gia của nhiều chuyên gia như: PGS.TS. Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục phát triển Doanh nghiệp; ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); TS Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh; PGS.TS. Lê Xuân Đình, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo, PGS.TS. Nguyễn Văn Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh,…

Diễn đàn thu hút sự tham gia của các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế trong nước (Ảnh: HNV)

Các đại biểu đều nhất trí nhận định, gần đây, Đảng và Chính phủ đã có nhiều chuyển động tích cực, về cơ bản đã nhận thức được rằng không xây dựng hệ thống doanh nghiệp thì nền kinh tế không thể đạt được yêu cầu phát triển. Điều quan trọng lúc này là tạo lập phong trào trong thực tế cũng như tập trung tháo gỡ rào cản về thực thi chính sách (thủ tục hành chính) để doanh nghiệp phát huy hết tiềm năng của mình.

Cũng theo các đại biểu, sự phát triển của doanh nghiệp chịu tác động của hai yếu tố: ngoại lực và nội lực, trong đó ngoại lực là kinh tế vĩ mô, thể chế, hệ thống chính sách pháp luật còn nội lực là năng lực quản trị của doanh nghiệp. Trải qua giai đoạn khởi nghiệp và giai đoạn thuận tiện phát triển, hiện nay, bước vào giai đoạn chuyên nghiệp hóa, nhiều doanh nghiệp đang bị “mắc kẹt”, khó phát triển cao hơn, lớn hơn. Do vậy, đã đến lúc các doanh nghiệp phải chuyên nghiệp hóa nâng cao năng lực quản trị để phát triển bền vững.

Nhiều ý kiến cũng chỉ ra, hiện tại, kinh tế nước ta vẫn đang lúng túng trong sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp; chính sách và luật chưa đồng bộ; còn ngập ngừng trong xác định xây dựng mô hình kinh tế thị trường, không chỉ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” mà còn rơi vào “bẫy mô hình phát triển kinh tế”, kết nối doanh nghiệp còn lỏng lẻo, nhất là hội nhập kém do môi trường kinh tế thế giới quá phức tạp, quá khốc liệt. Vì thế, về phía Nhà nước cần có sự thay đổi quyết liệt, buông bỏ bớt những nội dung quản lý doanh nghiệp không cần thiết và tạo lập môi trường minh bạch, công khai, chủ động, sáng tạo cho hệ thống các doanh nghiệp, trong ổn định vĩ mô, thực hiện tái cơ cấu để tăng trưởng bền vững. Còn về phía doanh nghiệp, phải chủ động hơn, sáng tạo hơn và chuyên nghiệp hóa hơn trong quản trị doanh nghiệp, coi đây là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của mình.

Liên quan tới mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 cũng như việc chuyển đổi các hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp tư nhân, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, gánh nặng cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ hiện nay khá lớn, do đó, để tạo động lực cho hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi, nâng cấp, cần phải đơn giản hóa các thủ tục nhất là thủ tục về thuế và kế toán, giảm thiểu các chi phí giao dịch doanh nghiệp tối đa cũng như củng cố lại năng lực nội tại và văn hóa kinh doanh, tinh thần doanh nhân của người Việt.

TS Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh cho rằng, một trong các giải pháp phát triển doanh nghiệp phải tính đến chính là xem xét tín hiệu của thị trường và kỳ vọng của doanh nghiệp trên cơ sở tự điều chỉnh và năng lực đầu tư, sản xuất kinh doanh của mỗi doanh nghiệp.

Còn theo TS Nguyễn Đình Ánh, khu vực doanh nghiệp Việt Nam đang không ngừng phát triển và khẳng định vai trò quan trọng của mình trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở nước ta. Để tiếp tục giữ vững và phát huy cao độ vai trò của doanh nghiệp ở nước ta cần có những chuyển biến mạnh mẽ trên tất cả các mặt, từ chủ trương quan điểm, kinh tế - tài chính, lao động - xã hội đến tâm lý - tuyên truyền… trong đó, cần hết sức lưu ý, tiếp tục triển khai thực hiện nhất quán quan điểm chủ trương phát huy cao độ vai trò của khu vực doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đặc biệt, trong sự phát triển doanh nghiệp cần quán triệt quan điểm kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước không phải là hai mặt đối lập, không phải là đối thủ cạnh tranh "một mất một còn" mà là các bộ phận bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển. Kinh tế tư nhân phát triển cũng có nghĩa là kinh tế Việt Nam phát triển. Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm khuyến khích thích đáng của Đảng và Nhà nước để kinh tế tư nhân phát huy tốt nhất vai trò tích cực, đồng thời hạn chế những khiếm khuyết tiêu cực, trong đó tháo gỡ các rào cản về thủ tục hành chính là thiết thực và cấp bách.

“Điều kiện tiên quyết là Nhà nước tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa kinh tế nhà nước với kinh tế tư nhân. Đồng thời, chính sách và cơ chế đối với kinh tế tư nhân dựa trên nguyên tắc cơ bản: bình đẳng, không cần ưu đãi; tôn trọng, chủ động” – TS Nguyễn Đình Ánh nói.

Đồng quan điểm này, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Quy định về điều kiện kinh doanh đã và đang là một rào cản lớn đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và hoạt động của doanh nghiệp, khiến nảy sinh bất lợi cho hoạt động kinh doanh như: rủi ro; hạn chế cạnh tranh; hạn chế sáng tạo - kinh doanh theo chuỗi; gia tăng chi phí và tác động không cân đối đến doanh nghiệp vừa và nhỏ./.

Lê Anh (ĐCSVN)

 

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 14
  • 3386
  • 21,908,473