Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2019: HIỆU TRIỆU SỨC MẠNH TỔNG HỢP ĐỂ BỨT PHÁ

  19/01/2019

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, như một lời hiệu triệu sức mạnh tổng hợp giải bài toán bứt phá để thực hiện tốt nhất yêu cầu ngắn gọn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, "năm 2019 phải hơn hoặc chí ít bằng năm 2018".

Tràn ngập cảm xúc, "đi qua năm 2018 với đầy ắp các sự kiện, bước vào năm 2019 với nhiều niềm tin, hy vọng mới", Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gọi đây là "thời điểm giao thoa thiêng liêng' và yêu cầu Chính phủ, "một câu nói gọn thôi, năm 2019 phải hơn hoặc chí ít bằng năm 2018" khi ông tới dự và chỉ đạo Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 28/12/2018.

Sức ép "bứt phá"

Một câu nói gọn của Tổng bí thư, cũng là cả trời thách thức, khi mà kết quả đạt được năm 2018, như nhận định của nhiều người trong giới chuyên gia, đã đạt đỉnh cao của sự phát triển rực rỡ, tiếp tục trụ hạng là thành công, vượt lên nữa e là không thể. Nhưng Chính phủ quyết đưa kết quả kinh tế - xã hội năm 2019 phải hơn, đúng như yêu cầu của Tổng Bí thư. 

Do vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thêm vào phương châm hành động của Chính phủ năm nay hai từ "bứt phá" và kêu gọi cả bộ máy chính quyền từ Trung ương đến địa phương hợp lực. Theo Thủ tướng, muốn có bứt phá, thì điều cốt tử, là đoàn kết, chung lòng, chung sức.

Có thể nói, chưa bao giờ Chính phủ phải đứng trước sức ép lớn như bây giờ và cần được chia sẻ nhiều như bây giờ. Đứng đầu cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc định hướng xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế; hoạch định đường lối, chủ trương, biện pháp lớn, quan trọng về kinh tế - xã hội, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình bày tỏ, "chúng ta đều có chung một mục tiêu là phục vụ cho Đảng, cho lợi ích của nhân dân, cho sự phát triển của đất nước".

Ông Bình cho biết, trong năm 2018, một trong những điểm nhấn quan trọng là Ban đã có sự phối hợp chặt chẽ với Ban cán sự đảng Chính phủ trong công tác nghiên cứu, thẩm định các đề án và đồng tổ chức các sự kiện lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với công tác hoạch định chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như diễn đàn kinh tế, diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0, hội nghị trực tuyến toàn quốc và triển lãm quốc gia về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. 

Mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Ban Kinh tế Trung ương với Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, ban cán sự đảng các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy đã thể hiện sự thống nhất của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo tuyệt tối và toàn diện của Đảng. Bằng tinh thần trách nhiệm cao nhất, Ban Kinh tế Trung ương, đã và đang thể hiện nỗ lực phát huy tốt hơn nữa sự phối hợp này.

Năm 2019 là một năm đặc biệt quan trọng. Như nhận định của Thủ tướng, đây là năm có vai trò bản lề, nước rút cho việc thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016-2020 và cả Chiến lược 10 năm 2011-2020. Năm 2019 cũng là năm bước sang một thập niên mới, là mốc thời gian quan trọng trên con đường hiện thực hóa khát vọng mãnh liệt của các bậc tiền nhân cũng như của 100 triệu đồng bào ta, cả trong và ngoài nước, về một Việt Nam độc lập, tự cường, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh. Tương lai phụ thuộc vào quyết tâm và hành động ngày hôm nay.

Truyền cảm hứng mãnh liệt

Được tổ chức ngay trong những ngày đầu của năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 không chỉ là kênh đối thoại thường niên về chính sách, cho Chính phủ cơ hội lắng nghe hiến kế từ đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước, mà Diễn đàn này, sẽ truyền cảm hứng mãnh liệt cho người dân, doanh nghiệp khí thế bước vào năm mới, sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ để thực sự tạo ra được sự bứt phá cho nền kinh tế vươn lên.

Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019 sẽ đưa ra những đánh giá, nhận định về nền kinh tế Việt Nam hiện tại và triển vọng trong trung hạn, nhất là những cơ hội, khó khăn, thách thức cùng với các kiến nghị, đề xuất chính sách có giá trị khoa học và thực tiễn để làm cơ sở cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam xem xét trong quá trình hoàn thiện thể chế và lãnh đạo, điều hành nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, sáng tạo và bao trùm vì một Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" và mọi người dân Việt Nam được hưởng thụ công bằng từ thành tựu đổi mới và phát triển của đất nước.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 được tổ chức năm nay đã là lần thứ ba. Trải qua hai kỳ Diễn đàn lần thứ nhất (06/2017) và lần thứ hai (01/2018), Diễn đàn Kinh tế Việt Nam ngày càng mở rộng về mặt quy mô, số lượng diễn giả, khách mời tham dự và nâng tầm về chất lượng thảo luận, đặc biệt với sự xuất hiện của các phiên Đối thoại chính sách cấp cao với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình và đại diện cấp quốc gia của các tổ chức quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. 

Nếu như hai Diễn đàn lần thứ nhất và lần thứ hai lần lượt thu hút khoảng 850 và 1.500 đại biểu tham dự, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ ba dự kiến thu hút khoảng 2.000 đại biểu tham gia các phiên hội thảo chuyên đề và đối thoại chính sách.

Không thể chững lại

Vì sao, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lại tỏ ra rất sốt ruột, thậm chí, ông còn nói vừa như động viên, vừa như thúc ép Chính phủ rằng, "nếu năm 2019 không bằng năm 2018, có khi đến gần Đại hội, người ta không bầu cho đâu", khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Chính phủ và địa phương vừa diễn ra tháng trước.

Có thể hiểu được tâm trạng này của Tổng Bí thư, bởi ông cũng thường xuyên chịu sức ép về việc "đã có những ý kiến muốn bàn lùi vì lo ngại thực hiện công cuộc chống tham nhũng liệu có làm chậm lại sự phát triển của đất nước không?", Tổng Bí thư nói tại Hội nghị Chính phủ với địa phương, "Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo, làm nhiều lần, làm quyết liệt từ nhiều năm nay công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực. Nhưng thời gian gần đây càng được đẩy mạnh hơn bao giờ hết và bước đầu đạt được nhiều kết quả cụ thể, tích cực, được nhân dân đồng tình, ủng hộ".

Tổng bí thư khẳng định, "thực hiện tốt những công việc này không hề làm "chùn" sự chỉ đạo hay làm "chậm lại" sự phát triển, mà ngược lại, sẽ giúp làm trong sạch, tạo sức mạnh thật sự của bộ máy và đội ngũ, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để Chính phủ và chính quyền các địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công mọi nhiệm vụ". Thực tế này đã được chứng minh khi nền kinh tế trong hai năm 2017, 2018 kỳ tích nối tiếp kỳ tích.

Năm 2019 bắt đầu và cuộc chiến với tham nhũng vẫn sẽ tiếp tục. Tổng bí thư chia sẻ cùng báo giới, đây không chỉ là một "cao trào", càng không thể "chững lại". Bởi đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh lâu dài, đầy chông gai, khắc nghiệt, cắt bỏ những "ung nhọt" trong nội bộ mình, rất đau xót nhưng vẫn phải tiếp tục làm, kiên quyết, kiên trì, bền bỉ và phải làm rất bài bản, chắc chắn, vì sự trong sạch vững mạnh và uy tín của Đảng, vì sự phát triển bền vững của đất nước, vì ý nguyện và hạnh phúc của nhân dân. Chống tham nhũng không thể chững lại. Và sự phát triển của nền kinh tế cũng vậy.

ĐOÀN TRẦN (Vneconomy)

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 19
  • 4218
  • 21,858,535