Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

DẦU KHÍ VÀ TÔI - P1: VÀO NGHỀ

  20/11/2022

LỜI CỦA BAN BIÊN TẬP:

“Dầu khí và Tôi” là Tập hồi ký của tác giả Nguyễn Quyết Thắng, CSV IPGG Rumani khóa 1966-1972. Tập truyện này thực tế đã được đăng tải trong Website Viromas.org giai đoạn 2012-2015. Do sự cố bị sập mạng năm 2015 (cùng 200 website khác), Hội đã thiết kế lại định dạng mới và tiếp tục hoạt động cho tới hiện nay. Để lưu lại các ký ức kỷ niệm một thời của một ngành Kinh tế kỹ thuật quan trọng của đất nước, ở đó có sự đóng góp rất quan trọng của các kỹ sư từng là cựu sinh viên đã được đào tạo ở Rumani, Ban Biên tập xin chân trọng giới thiệu, đăng tải lại tập hồi ký này để chúng ta cùng đọc và nhớ lại một thời:

          1. VÀO NGHỀ

        Tôi đâu có ý định vào cái nghề lạ hoắc này.Hồi đó, trước khi tốt nghiệp cấp 3 (năm 1966), ông thầy dạy văn và chủ nhiệm tôi suốt ba năm đã nhất nhất bắt tôi ghi vào nguyện vọng 1vào Khoa Văn, Đại học Tổng Hợp do thành tích đợt thi HSG Văn Toàn Miền Bắc của tôi trước đó. “Nguyện vọng 2 thế nào tùy cậu, nhưng nguyện vọng 1 cứ phải viết thế cho tôi!”, ông buông một câu ngắn gọn và đầy chất tướng lĩnh như vậy.Và vì thế, lẽ đương nhiên, cái ước mơ thời thượng cháy bỏng của tôi hồi đó - Tự động hóa - đành phải dời vị trí xuống hàng đệ nhị. Nhưng rồi con tạo vần xoay, đùng một cái tôi nhận được Giấy Triệu tập đi học nước ngoài (khu vực RM) của Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp. Trường “Phượng Hoàng đỏ” (Trường Cấp 3 Đan Phượng, Hà Tây) của chúng tôi có bốn tên được lệnh trát như thế, gồm: Trịnh Minh Hùng, Nguyễn Đăng Liệu, Nguyễn Vinh Quang và tôi. Quang có bố làm Thứ trưởng một Bộ hoành tráng đã kịp đổi sang học Vật Lý Nguyên Tử, ĐH Minsk. Ba đứa chân chì còn lại chúng tôi phó thác cho số phận,, xình xịch theo chuyến tàu xuyên Bắc Kinh, Mãn Châu Lý, Siberia, Moscow, Kiev và dừng lại ở thủ đô Bucuresti của đât nước Romania sau 13 ngày đầy phấn khích. Không biết do tình cờ hay do sự phân công của tổ chức, ba đứa tôi được phân theo ba ngành: tôi học Địa chất dầu khí, Liệu học Địa Vật lý còn Hùng học Khoan. Cả lũ chưng hửng. Chỉ có Liệu là khoái vì được học ngành Vật Lý Địa Cầu (hồi ấy tra từ điển thấy gọi là như thế). Còn bọn Hùng Béo và Giao Béo và mấy đứa học Khoan mãi về sau vẫn cứ giấu ngành học, nói chệch thành Chi đoàn Cơ Khí cho oai chứ chẳng bao giờ tiết lộ với người nhà, nhất là với lũ con gái ngành học của mình.Sau này tôi mới biết IPGG và Polytechnic là hai trường đại học khó nhất ở Romania. Những người không học nổi ở trường Dầu có thể chuyển sang các trường khác học những nghề hay và nhàn hạ hơn nhiều.

      Tuổi trẻ háo hức, đầy trách nhiệm và thời sinh viên tuyệt đẹp cũng qua nhanh.Năm 1972,chúng tôi trở về Tổ quốc trên còn đường sắt liên vận xưa sau 6 năm trời xa cách. Sáu năm trời, đó là thời kỳ Chiến tranh leo thang miền Bắc diễn ra vô cùng ác liệt. Ngay cả khi về tới gần biên giới Việt –Trung, chúng tôi phải dừng lại ở Bằng Tường để chuyển sang xe ô tô tải qua Lạng Sơn về Hà Nội trong đêm lập lòe pháo sáng.Hạnh phúc gặp lại những người thân, hạnh phúc được trở về cống hiến sức mình cho tổ quốc cứ rạo rực, mê say suốt một thời trai trẻ.Tháng bảy trở về. Hai tháng sau cả lũ nhận Quyết định điều động của Tổng Cục Địa Chất (TCĐC) hăm hở đạp xe rời Hà Nội về nhận công tác tại Liên Đoàn 36, Hưng Yên. Khi qua phà Khuyến Lương, Đăng Liệu nhìn cảnh sông nước hữu tình bèn thốt lên: “Sau này dứt khoát tao đặt tên con là Khuyến Lương” (nhưng không ngờ Lương lại là em Khánh,  vợ tương lai của hắn, nên lời nguyền kia chỉ còn phân nửa. Và thế là thằng Măng con hắn có tên chữ là Khuyến Nguồn); rồi qua Từ Hồ, gần quê hương cụ lang Hanh nổi tiếng, Hùng Béo cũng đế tiếp: “Con tao sẽ là Trịnh Từ Hồ”.Tuy nhiên thằng cha này đã bước qua lời nguyền, khi hỏi lại hắn chỉ cười hềnh hệch.Cứ thế, chúng tôi tới Bô Thời, Chợ Gạo mà chẳng hề thấm mệt. Tới ngã ba gần thị xã Hưng Yên, hỏi thăm thì ra đại bản doanh của LĐ 36 nằm bên trái, trên đường đi Hải Dương. Những ngôi nhà toác-xi (tường liếp nan tre trát vôi cát) mái lợp lá mía xếp thành 4 dãy chạy dài theo những bóng cây phi lao thẳng tắp, im lìm. Bên này đường, mấy căn nhà ngói khang trang hơn, khuất sau rặng nhãn, cửa đóng then cài.Sau này tôi mới được biết là Khu Chuyên Gia.Người bảo vệ cho chúng tôi biết Liên đoàn đã sơ tán về Ngọc Trúc. “Các anh cứ đạp xe theo hướng này, tới Phố Rác hỏi thăm đoàn Địa chất là người ta chỉ cho. Nhớ tìm nhà ông Khiết Tổ chức nhé” .Anh ta rít mạnh chiếc điếu cày, hất đầu sang phải dứt khoát rồi phả ra một làn khói hả hê, nhìn chúng tôi đầy kẻ cả. Lại đạp xe tiếp. Chợt nhận thấy một tên gù lưng trên xe cuốc phía trước, liền bắt chuyện, hỏi thăm. Hóa ra hắn cũng có cùng mục đích.“Ông tên gì? Học ở đâu về đấy?” .Hắn bô bô:“ Quyết, Nguyễn Văn Quyết, Bacu. Còn ông?”, ” Thắng, Quyết- Thắng, ngon rồi!”. Đấy là lần đầu tiên tôi gặp Quyết Toác.Thế là cả lũ hò reo và lao tiếp về phố Rác. Trời đã nhá nhem tối, cũng may cửa hàng ăn phố Rác vẫn le lói đèn dầu.Bữa cơm “gạo mậu dịch” với mấy miếng đậu kho đạm bạc, chớp nhoáng của mấy gã trai tơ chưa hề vướng bận sao vui và ngon thế.Rồi hỏi thăm đường vào làng Ngọc Trúc. Qua mấy bờ ao lắt léo, đầy gai tre, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được ông trưởng phòng Tổ chức để nộp Quyết định điều động ký bởi Tổng Cục phó Trần Tề. “Ở đây không có chỗ ở, các cậu trở về Chợ Gạo nhận giường ngủ tạm nhé. Uống chén nước chè xanh đã rồi đi cho đỡ mệt”, sau khi kết thúc thủ tục trang nghiêm, ông ân cần nói với lũ ngẩn ngơ chúng tôi như thế.

          Chúng tôi trở về Chợ Gạo, một trong những nơi phát tích còn được lưu trong bộ nhớ bao người trong một đêm thu như vậy. Những tên tuổi như Liên đoàn trưởng Vũ Bột , LĐP Phan Minh Bích, Bùi Đức Thiệu , rồi Nguyễn Giao, Hồ Đắc Hoài, Nguyễn Quang Hạp, Tăng Mười v.v. đã có từ thời ấy. Ở Chợ Gạo ít ngày thì nhận được quyết định tiếp theo của Liên Đoàn. Tôi được điều về Đoàn 36K( Khoan), Hùng Béo về Đoàn 36 S ( Khoan sâu) Thái Bình, Liệu về 36F (Fản xạ) Cẩm Giàng, Giao Béo láu cá khai mắt cận thị được điều động về làm “Giáo sư trường Sỹ Quan Tân Cầu”( tên anh em thường đùa gọi Trường CNKT Dầu Khí thuở sơ khai là như thế).Sau này chúng tôi mới được biết có một cánh quân khác trong đó có cả mấy thằng cùng lớp đã nhạy bén thời cuộc, bí mật đầu quân cho Tổng cục Hóa Chất, trở thành những thành viên sáng lập ra Ban Hóa Dầu do anh Nguyễn Đông Hải làm thủ lĩnh. Mãi sau này, tới khi gặp nhau tại Đề án sử dụng khí nông Xuân Thủy, nhìn thấy thằng bạn mặt dài Phạm Ngọc Chấp, cán bộ Ban Hóa Dầu từ Hà nội xuống, cả lũ mới “ồ, ra thế!” . Lớp G-160 của chúng tôi có 5 thằng , hóa ra cuối cùng chỉ có Lanh và tôi là thật thà “phục tùng sự phân công của tổ chức” xuống Thái Bình.

(Còn nữa)

Nguyễn Quyết Thắng

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 3
  • 8234
  • 21,885,376