Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

CẢI CÁCH DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC: ĐỀ CAO TÍNH THỊ TRƯỜNG

  05/08/2019

Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành cơ cấu lại và đổi mới doanh nghiệp nhà nước, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, nếu không tuân theo các quy luật thị trường và được thực hiện mang tính thị trường, mục tiêu này sẽ không thể về đích.

Áp cơ chế thị trường đem lại hiệu quả

Theo ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, năm 1980, Việt Nam có 12.000 doanh nghiệp nhà nước, qua sắp xếp đổi mới doanh nghiệp, đến nay chỉ còn khoảng 500 doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp nhà nước đã giảm mạnh và chỉ còn hiện diện tại 11 ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cho xã hội và quốc phòng an ninh.

Song 70 tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước hiện vẫn là bộ phận quan trọng nhất của kinh tế nhà nước, đóng góp 27-28% GDP, 24% tổng cân đối thu ngân sách, đồng thời giữ nhiều nguồn lực quan trọng như 79% ngành khai khoáng, 91% ngành điện, 80% ngành thông tin truyền thông, 57% ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

Là người có thâm niên hơn 30 năm nghiên cứu về doanh nghiệp, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng phải thận trọng với việc đưa các tập đoàn kinh tế nhà nước trở thành công cụ dẫn dắt, chi phối điều tiết nền kinh tế. 

Chuyên gia này cho rằng, đầu tư của nhà nước là cần thiết nhưng đầu tư lớn, dồn nguồn lực vào một số ít tập đoàn kinh tế có thể rủi ro, khiến hậu quả nghiêm trọng khi không thành công. Hoặc nếu thiếu cơ chế giám sát hiệu quả sẽ tạo sức ỳ khi doanh nghiệp nhà nước dễ dàng tiếp cận nguồn lực tài chính và lợi thế chính sách.

Cũng theo ông Cung, cạnh tranh, cơ chế thị trường là nền tảng cho các tập đoàn kinh tế phát triển. Ông dẫn ví dụ điển hình là việc hình thành thị trường trong lĩnh vực viễn thông, từ chỗ độc quyền, thay đổi sang thị trường cạnh tranh, nhờ có cạnh tranh mà dịch vụ tốt hơn, giá cả rẻ hơn.

"Không chỉ cạnh tranh trong nước, các tập đoàn kinh tế phải cạnh tranh với các ông lớn trên thị trường nước ngoài, hướng đến mục tiêu tăng dần thị phần, có như vậy mới chứng tỏ năng lực của doanh nghiệp", ông Nguyễn Đình Cung chia sẻ.

Đưa ra khuyến nghị áp đặt cơ chế thị trường, ông Cung lưu ý đến vấn đề quản trị. Cụ thể là áp dụng công cụ quản trị và giám sát tập đoàn kinh tế theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, tái cơ cấu toàn diện, đa dạng hóa sở hữu tập đoàn kinh tế nhà nước; chuyên nghiệp hóa cán bộ quản lý (bao gồm cả bộ máy cơ quan chủ sở hữu và cán bộ điều hành tại doanh nghiệp). Có như vậy mới hy vọng xây dựng các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước mạnh, hoạt động hiệu quả trong các ngành, lĩnh vực then chốt, là lực lượng vật chất quan trọng để nhà nước điều tiết kinh tế, ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Cung cũng đánh giá, mô hình hoạt động của SCIC khá mang tính thị trường và cần được phát huy hơn nữa.

Thực tiễn tại SCIC

Là một doanh nghiệp đặc thù do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, SCIC được ra đời với mục tiêu thúc đẩy tiến trình cải cách kinh tế nói chung và cải cách doanh nghiệp nhà nước nói riêng, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.

Theo ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc SCIC, trong 12 năm qua, SCIC đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước đối với các công ty cổ phần sau cổ phần hóa. Cơ chế người đại diện phần vốn Nhà nước triển khai tại tất cả các doanh nghiệp được kết hợp chặt chẽ với sự giám sát và chỉ đạo trực tiếp của chủ sở hữu đã giúp SCIC bảo toàn và phát triển phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.

Ông Trần Túc Mã, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Traphaco cho biết, tại Traphaco, SCIC cử 2 cán bộ tham gia Hội đồng quản trị, cùng với ông là người đại diện vốn tại doanh nghiệp, nhờ vậy, SCIC bám sát các mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp, cập nhật thông tin mới, tạo sức ép và cùng đưa ra các chính sách kịp thời để đạt mục tiêu đã đề ra. Traphaco có các cổ đông tổ chức khác và theo nhận xét của ông Mã, cách thức giám sát và tham gia quản trị doanh nghiệp của SCIC tương tự các quỹ đầu tư chứ không phải cơ quan hành chính. 

Với bộ máy chuyên nghiệp, qui trình đầu tư, thẩm định, quản trị khoa học thông qua vai trò cổ đông đại diện cho Nhà nước, SCIC không đơn thuần đóng vai trò quản lý vốn mà còn thực hiện chức năng kinh doanh vốn, làm cho phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp không chỉ bảo toàn mà còn gia tăng giá trị.

Trong tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, SCIC được xem là một trong những Tổng công ty đi đầu với kết quả thoái vốn tại các doanh nghiệp trong danh mục Nhà nước không cần nắm giữ hoặc chi phối đạt hiệu quả cao. 

Cho đến nay, Tổng công ty đã thoái vốn tại 995 doanh nghiệp (trong đó bán hết 892 doanh nghiệp, bán bớt 84 doanh nghiệp và bán quyền mua tại 19 doanh nghiệp), thu về số tiền trên 47.000 tỷ đồng, gấp 4,2 lần so với giá vốn gần 11.100 tỷ đồng. Trên thực tế, SCIC là Tổng công ty đầu tiên thực hiện việc thoái vốn theo quy trình chuyên nghiệp, từ định giá đến tổ chức đấu giá, khớp lệnh, giao dịch ngoài sàn, chào bán cạnh tranh, bán cả lô...

Trên khía cạnh đầu tư, Tổng công ty cũng đã giải ngân đến thời điểm hiện nay là trên 27.700 tỷ đồng, tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, gắn với thị trường và đạt hiệu quả khá cao.

Một nhiệm vụ trọng tâm khác là tập trung triển khai, phối hợp với các Bộ, UBND tỉnh chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc đối tượng bàn giao về SCIC, đặc biệt là các Tập đoàn, Tổng công ty đã có quyết định của Thủ tướng Chính phủ bàn giao vốn nhà nước về SCIC sau khi hoàn thành cổ phần hóa. 

Với các doanh nghiệp nhận bàn giao, SCIC tham gia nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp và vai trò cổ đông nhà nước tại doanh nghiệp thông qua việc áp dụng các chuẩn mực và biện pháp quản trị doanh nghiệp tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế.

Đề cập đến định hướng của SCIC trong thời gian tới, ông Lê Song Lai cho biết, tổng công ty tiếp tục tập trung vào tái cơ cấu và đẩy nhanh tiến độ bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ nhằm đưa Tổng công ty thực sự trở thành một công cụ, kênh truyền vốn nhà nước; thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước để tập trung vào những khâu, công đoạn then chốt của nền kinh tế; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tại doanh nghiệp.

HOÀNG LY (vneconomy)

 

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 3
  • 3370
  • 22,192,685