Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

Bài 4: CỰU SINH VIÊN RUMANI VÀ TRÍ TUỆ DẦU KHÍ VIỆT NAM

  16/10/2020

Qua 40 năm xây dựng và phát triển, bằng những thực tiễn hoạt động và đóng góp vào sự nghiệp dầu khí của đất nước, Viện Dầu khí Việt Nam đã khẳng định được vai trò là Trí tuệ Dầu khí Việt Nam.

Tác giả - KS Nguyễn Xuân Dịnh

Nguyên Vụ trưởng,Trợ lý Bộ trưởng Bộ Công Thương

Tháng 5/2018, Viện Dầu khí Việt Nam kỷ niệm 40 năm ngày thành lập (22/5/1978 - 22/5/2018). Tiền thân của Viện Dầu khí Việt Nam là Đoàn Nghiên cứu Địa chất Dầu khí chuyên đề 36 thuộc Tổng cục Địa chất được thành lập ngày 24/3/1973 trên cơ sở hợp nhất Phòng Tổng hợp (trước đó là Tổ Kỹ thuật Tổng hợp, Phòng Kỹ thuật Địa chất, Phòng Kỹ thuật Địa vật lý), Phòng Thí nghiệm và Thư viện thuộc Liên đoàn 36.

Qua 40 năm xây dựng và phát triển, bằng những thực tiễn hoạt động và đóng góp vào sự nghiệp dầu khí của đất nước, Viện Dầu khí Việt Nam đã khẳng định được vai trò là Trí tuệ Dầu khí Việt Nam.

Nói đến trí tuệ, nhân tố chính là con người, những người làm công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật trực tiếp hoặc gián tiếp ở những lĩnh vực khác nhau. Trong giai đoạn phát triển ban đầu của ngành Dầu khí Việt Nam, khi tổ chức nghiên cứu khoa học kỹ thuật chưa được hình thành hoặc chưa phát triển hoàn chỉnh thì rất nhiều cán bộ kỹ thuật ở các đơn vị chuyên ngành vừa phải nghiên cứu vừa phải tổ chức thực hiện các đề tài thử nghiệm và sản xuất, hoặc vừa làm công tác quản lý, điều hành vừa tham gia các đề tài nghiên cứu.

Năm 2018 cũng là năm kỷ niệm 70 năm thành lập Học viện Dầu khí Rumani (IPG Bucarest 1948-1957), là tiền thân của Học viện Dầu khí và Địa chất Bucarest (IPGG 1957-1975) và Trường Đại học Dầu khí Ploiesti (UPG 1975) hiện nay.

Những cựu sinh viên dầu khí Việt Nam các thế hệ tốt nghiệp ở Rumani từ năm 1962 đều có duyên nghiệp với ngành Dầu khí Việt Nam nói chung và khá nhiều người gắn liền cuộc đời với sự phát triển của Viện Dầu khí Việt Nam.

Lớp cựu sinh viên Dầu khí đầu tiên từ IPGG Rumani về nước năm 1962 có các ông Tăng Văn Mười tốt nghiệp kỹ sư chuyên ngành Địa vật lý, ông Nguyễn Xuân Tùng tốt nghiệp kỹ sư chuyên ngành Địa chất. Từ năm 1964, Kỹ sư Tăng Văn Mười cùng các chuyên gia Liên Xô lập phương án thăm dò điện cấu tạo đầu tiên tại vùng rìa Đông Bắc và Tây Nam miền võng Hà Nội để phát hiện các cấu tạo có triển vọng dầu khí. Đây là phương án thăm dò điện đầu tiên ở Việt Nam áp dụng một hệ dạng các phương pháp thăm dò điện như thăm dò điện thẳng đứng (VEZ), đo sâu lưỡng cực (PZ), thiết lập trường (ZCS), dòng Telua (T), từ - Telua (MT.MTP). Sau đó ông Tăng Văn Mười làm Đoàn trưởng Đoàn thăm dò điện 36Đ, tốt nghiệp TS Địa vật lý ở IPGG Rumani, TSKH Địa vật lý ở Ba Lan và làm Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa vật lý Việt Nam, có nhiều đóng góp phát triển ngành Địa vật lý. Kỹ sư, tiến sĩ địa chất Nguyễn Xuân Tùng là một chuyên gia thạch học nổi tiếng của Việt Nam, có 11 công trình nghiên cứu khoa học chuyên ngành và làm Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Địa chất Khoáng sản Việt Nam.

Tiến sĩ Trần Ngọc Toản tốt nghiệp kỹ sư chuyên ngành Địa vật lý năm 1963 và tiến sĩ Địa vật lý năm 1969 tại IPGG, đã nghiên cứu, cải tiến phương pháp điện trường nhân tạo trực giao (ĐNT) của Rumani vào việc thăm dò dầu khí các cấu tạo ở vùng trũng Hà Nội từ năm 1973 của Liên đoàn Địa chất 36. Cùng với các nghiên cứu của Tiến sĩ Tăng Văn Mười, các nghiên cứu của Tiến sĩ Trần Ngọc Toản đã góp phần làm sáng tỏ cấu trúc địa chất miền võng Hà Nội. Tiến sĩ Trần Ngọc Toản từng làm Tổ trưởng Tổ Kỹ thuật tổng hợp Liên đoàn 36 đầu thập niên 1970, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Đào tạo năm 1982, Phó Vụ trưởng phụ trách Khoa học Kỹ thuật của Tổng cục Dầu khí năm 1985 và là Viện trưởng Viện Dầu khí giai đoạn 1999-2002.

Viện Dầu khí từ ngày thành lập, ngoài Viện trưởng Trần Ngọc Toản, một số Phó viện trưởng là cựu sinh viên và nghiên cứu sinh dầu khí Rumani như Tiến sĩ Khoa học địa chất Phan Trung Điền (TS tại IPGG năm 1974, TSKH tại Bulgari năm 1988), Tiến sĩ Địa chất Nguyễn Huy Quý (tốt nghiệp KS tại IPGG năm 1973, TS tại Ba Lan năm 1990) giai đoạn 2000-2005, Kỹ sư Nguyễn Xuân Dịnh (tốt nghiệp KS tại IPGG năm 1974), Tiến sĩ Nguyễn Hữu Trung (tốt nghiệp KS chuyên ngành Khoan-Khai thác dầu khí tại UPG năm 1980 và TS tại Trường Đại học Dầu khí Gupkin Nga năm 1992).

Vào đầu những năm 1980, mỏ khí đầu tiên trên đất liền của Bể trầm tích sông Hồng là Tiền Hải C (THC) được phát hiện. Trữ lượng của mỏ khí này được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Nhà nước hết sức quan tâm. Nhóm công tác của Viện Dầu khí do KS Nguyễn Xuân Dịnh chủ trì được giao nhiệm vụ triển khai việc tính toán trữ lượng của mỏ khí này. Bên cạnh các thông tin về mô hình địa chất và thông số của mỏ theo phương pháp thể tích, nhóm tác giả đã áp dụng thành công phương pháp mô phỏng Monte Carlo để xác định giá trị kỳ vọng toán học của trữ lượng mỏ.

Số liệu khai thác sau hơn 30 năm đã chứng minh con số trữ lượng cấp 2P do Viện Dầu khí tính toán vào năm 1982 là phù hợp với thực tế.

Vào cuối những năm 1980, để chuẩn bị thu hút đầu tư nước ngoài vào thăm dò và khai thác dầu khí ở Việt Nam, Petrovietnam đã giao cho Viện Dầu khí tiến hành nghiên cứu cấu trúc địa chất và tiềm năng dầu khí của các bể trầm tích nằm ở ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam bao gồm các bể Sông Hồng, Phú Khánh, Cửu Long, Nam Côn Sơn, Tư Chính - Vũng Mây và Mã Lai - Thổ Chu.

Các kỹ sư Nguyễn Quang Bô (tốt nghiệp KS chuyên ngành Địa chất tại IPGG năm 1972), Lê Văn Trương (tốt nghiệp KS chuyên ngành Địa chất tại IPGG năm 1972), Nguyễn Quyết Thắng (tốt nghiệp KS chuyên ngành Địa chất tại IPGG năm 1972), Lê Văn Dung (tốt nghiệp KS chuyên ngành Địa Vật lý tại IPGG năm 1972), Lâm Văn Lanh (tốt nghiệp KS chuyên ngành Địa chất tại IPGG năm 1972), Nguyễn Mạnh Huyền (tốt nghiệp KS chuyên ngành Địa Vật lý tại IPGG 1973), Nguyễn Huy Quý, Nguyễn Xuân Dịnh, Lý Trường Phương (tốt nghiệp KS chuyên ngành Địa chất tại IPGG năm 1974), Hoàng Ngọc Đang (tốt nghiệp KS chuyên ngành Địa chất tại Trường Đại học Tổng hợp Bucarest năm 1984, TS tại Trường Đại học Mỏ và Địa chất Việt Nam năm 2002), Vũ Quang (tốt nghiệp KS chuyên ngành Địa chất tại Trường Đại học Tổng hợp Bucarest năm 1984) được tham gia thực hiện công việc này.

Kết quả tính toán tiềm năng dầu khí của các bể trầm tích nói trên kết hợp với kết quả hợp tác đánh giá khả năng sinh thành dầu khí của bể trầm tích Nam Côn Sơn với Công ty Robertson của Anh quốc đã tạo ra tiền đề khoa học có ý nghĩa trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí ở Việt Nam vào những năm 1990.

Thông qua việc hợp tác với tổ chức thăm dò khoáng sản ngoài khơi châu Á và Thái Bình Dương (CCOP), các phần mềm tính toán tiềm năng dầu khí của các bể trầm tích chưa có giếng khoan (PRASS1) từ Hoa Kỳ và các bể trầm tích đã có giếng khoan (FASPUM) từ Canada đã được chuyển giao thành công. KS Nguyễn Xuân Dịnh được giao nhiệm vụ tiếp nhận chuyển giao và ứng dụng các phần mềm này.

Bể trầm tích Nam Côn Sơn tuy có nhiều tiềm năng dầu khí nhưng tại đây xuất hiện nhiều dị thường áp suất (DTAS). Thực tế này là mối quan ngại đối với các nhà đầu tư nước ngoài về sự an toàn trong quá trình khoan. Việc xác định DTAS trước khi khoan nhằm giúp các nhà đầu tư sử dụng chế độ dung dịch khoan hợp lý để phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro trong quá trình khoan là việc làm có tính khoa học và thực tiễn to lớn. Viện Dầu khí đã giao cho nhóm công tác bao gồm KS Lê Vân Dung, KS Nguyễn Xuân Dịnh và 3 chuyên gia khác tiến hành nghiên cứu vấn đề có tính thời sự này.

Trên cơ sở tham khảo các giáo trình của IPGG, của Công ty Shell, nghiên cứu mối tương quan về định tính và định lượng giữa các tài liệu địa chấn, địa vật lý giếng khoan, mẫu lõi, thử vỉa và điều kiện lắng đọng trầm tích..., nhóm tác giả đã nghiên cứu thành công giải pháp xác định DTAS trước khi khoan tại bể trầm tích Nam Côn Sơn. 11 nhà đầu tư nước ngoài trong đó có Esso-Mobil, Total, British Gas... đã đặt hàng mua sản phẩm tính toán DTAS của Viện Dầu khí theo hình thức Viện Dầu khí chuyển giao kết quả tính toán DTAS trước khi khoan cho nhà thầu, nhà thầu chỉ trả tiền sau khi khoan cho Viện Dầu khí nếu sai số thực tế của DTAS ≤± 10% so với giá trị tính toán. Tất cả các nhà thầu đều hài lòng với kết quả tính toán DTAS do Viện Dầu khí chuyển giao. Phần mềm tính toán này đã mang về cho Viện Dầu khí hơn 100.000 USD vào cuối những năm 1990.

KS Hoàng Ngọc Đang đã bảo vệ thành công luận văn tiến sĩ về DTAS tại bể trầm tích Nam Côn Sơn.

Để nâng cao hệ số thu hồi dầu và khí đồng hành của mỏ Bạch Hổ, mỏ dầu lớn nhất Việt Nam, nhiều chuyên gia trong đó có KS Đinh Hữu Kháng (tốt nghiệp kỹ sư chuyên ngành Khoan-Khai thác dầu khí tại IPGG năm 1973), TS Vũ Văn Viện (tốt nghiệp KS chuyên ngành Khoan-Khai thác dầu khí tại UPG năm 1977, TS chuyên ngành Khai thác Dầu khí tại Trường Đại học Dầu khí Gupkin Nga năm 1991) và TS Nguyễn Hữu Trung đã tham gia nghiên cứu thành công công nghệ bơm ép nước để nâng cao hệ số thu hồi dầu từ 25% lên 45%. Thành công của giải pháp công nghệ này đã góp phần nâng cao sản lượng khai thác dầu và khí đồng hành của mỏ Bạch Hổ góp phần mang lại nguồn thu ngoại tệ rất quan trọng cho Việt Nam.

Để triển khai thành công các dự án Khí - Điện - Đạm Vũng Tàu, Khí - Điện - Đạm Cà Mau và định hướng phát triển các dự án khí phía Bắc, Petrovietnam đã giao cho Viện Dầu khí triển khai các dự án quy hoạch thị trường khí Đông Nam Bộ, thị trường khí phía Bắc và quy hoạch phát triển khí Tây Nam. KS Nguyễn Xuân Dịnh được giao nhiệm vụ làm chủ nhiệm các dự án quy hoạch này.

TS Trương Đình Hợi (tốt nghiệp KS chuyên ngành Công nghệ Lọc hóa dầu năm 1972 tại IPGG và TS chuyên ngành Hóa dầu tại Trường Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh năm 2000) từ năm 1974 được phân công phụ trách lĩnh vực nghiên cứu, phân tích dầu thô của Đoàn 36B và KS Đặng Thị Hồng Vân (tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ Lọc hóa dầu năm 1974 tại IPGG) đã biên dịch Hướng dẫn quy trình phân tích tính chất dầu thô, khí hóa lỏng và các sản phẩm dầu mỏ từ tiếng Rumani sang tiếng Việt kịp thời phục vụ công tác phân tích trong phòng thí nghiệm của Đoàn 36B (trước năm 1978) và của Viện Dầu khí sau này. Các kết quả phân tích dầu thô và khí tự nhiên đã được cung cấp kịp thời để phục vụ công tác thiết kế công nghệ Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy chế biến khí Thị Vải, Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Nhà máy Đạm Cà Mau...

TS Trương Đình Hợi cũng là Chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước mã số 22.01.05.19 “Nghiên cứu sơ đồ công nghệ chế biến khí ngưng tụ mỏ Tiền Hải C (Thái Bình)” cùng với các tác giả khác, trong đó có các kỹ sư tốt nghiệp ở Rumani như Nguyễn Văn Chỉnh, Trần Ngọc Côn..., đã hoàn thành xuất sắc, được Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước cấp bằng khen và cấp giấy chứng nhận Quyền tác giả. TS Trương Đình Hợi là Phó giám đốc, rồi Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển Chế biến Dầu khí thuộc Viện Dầu khí Việt Nam giai đoạn 2001-2007, là tác giả cuốn sách “Hóa học Dầu mỏ và tính chất dầu thô Việt Nam" xuất bản năm 2007.

KS Đặng Thị Hồng Vân đã cùng nhóm tác giả của Viện Dầu khí nghiên cứu thành công quy trình công nghệ chế biến bột silica từ cát của Việt Nam để sản xuất dung dịch khoan.

Vào đầu những năm 1990, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở Việt Nam không tin tưởng vào khả năng phân tích mẫu của các phòng thí nghiệm của Viện Dầu khí. Nhiều nhà thầu muốn gửi mẫu lõi đến các phòng thí nghiệm ngoài Việt Nam để phân tích. Trên cơ sở tin tưởng vào năng lực thiết bị, quy trình công nghệ và năng lực trí tuệ của các cán bộ của mình, Viện Dầu khí đã đề xuất phương án đề nghị Nhà thầu BHP của Australia mời thanh tra kỹ thuật quốc tế vào thẩm định năng lực phân tích mẫu của Viện Dầu khí. Kết quả thẩm định của chuyên gia kỹ thuật từ Học viện Dầu mỏ Pháp (IFP) đã khẳng định Viện Dầu khí hoàn toàn đủ khả năng phân tích mẫu lõi đạt tiêu chuẩn quốc tế. Chuyên gia thẩm định IFP đánh giá rất cao năng lực trí tuệ và kinh nghiệm của TS Nguyễn Hữu Trung trong lĩnh vực phân tích và tổng hợp số liệu phân tích mẫu.

Việc nghiên cứu đánh giá tác động môi trường của hoạt động dầu khí được Petrovietnam và nhà nước Việt Nam hết sức quan tâm. KS Hoàng Văn Thạch (tốt nghiệp KS chuyên ngành Địa chất tại IPGG năm 1974) được giao nhiệm vụ thực hiện nhiều đề tài, dự án với các nhà đầu tư dầu khí trong lĩnh vực này và trở thành Phó giám đốc trung tâm rồi Phó trưởng ban An toàn - Môi trường của Petrovietnam.

Tiến sĩ Phạm Thị Ngọc Bích (tốt nghiệp KS năm 1963 và TS chuyên ngành hóa năm 1971 tại Rumani) công tác tại bộ môn Cao phân tử, Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước, rồi Ban Dầu khí - Tổng cục Hóa chất và làm Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Lưu trữ - Tổng cục Dầu khí, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển Chế biến Dầu khí thuộc Viện Dầu khí Việt Nam.

Các kỹ sư công nghệ lọc hóa dầu tốt nghiệp IPGG năm 1971 như KS Bỳ Văn Tứ, Phùng Văn Chiến, Phạm Ngọc Thường, Hoàng Chân (1972) đã tham gia trong Ban Dầu khí - Tổng cục Hóa chất làm quy hoạch phát triển và chủ trì lập phương án xây dựng các nhà máy lọc hóa dầu ở miền Bắc giai đoạn 1971-1975; sau đó cùng các đồng nghiệp khác như Ngô Dương Hùng, Nguyễn Văn Vượng, Lê Xuân Ba, Nguyễn Thị Phương Hải, Nguyễn Mậu Phương... tại Phòng Quản lý Thiết kế và Công nghệ Lọc hóa dầu của Cục Xây dựng cơ bản của Tổng cục Dầu khí giai đoạn 1975-1980 tiếp tục cập nhật các phương án Nhà máy Lọc hóa dầu Tĩnh Gia -Thanh Hóa và Thành Tuy Hạ - Đồng Nai làm cơ sở cho việc đàm phán với các đối tác nước ngoài về công nghệ sản xuất.

Trong giai đoạn này, các kỹ sư công nghệ lọc hóa dầu còn đề xuất phương án Việt Nam tự thiết kế, xây dựng Trạm chế biến condensate tại Tiền Hải - Thái Bình thay thế cho việc nhập khẩu công trình do Công ty Serete của Pháp chào hàng vì vào thời điểm đó rất khan hiếm ngoại tệ. Đề xuất nói trên được Tổng cục Dầu khí chấp nhận chủ trương để Cục Xây dựng cơ bản phối hợp với Công ty Thiết kế, Công ty Dầu khí I và Công ty Vật tư triển khai. Dự án này được Công ty Dầu khí 1 thực hiện trong giai đoạn 1981-1985 và được Giám đốc Công ty Dầu khí I cấp giấy chứng nhận sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất “Thiết kế trạm tách khí phục vụ tua bin điện” cho nhóm kỹ sư Nguyễn Mậu Phương (tốt nghiệp IPGG năm 1975) và đồng tác giả Phùng Đình Thực, Dương Tuấn Khanh, Trần Quang Khải...

KS Bỳ Văn Tứ đã có những đổi mới trong quản lý dự án Lọc hóa dầu Thành Tuy Hạ, một công trình trọng điểm quốc gia trong giai đoạn 1982-1990; đã tham gia góp phần trong việc áp dụng mô hình quản lý và thực hiện dự án theo phương thức EPC của phương Tây đối với công trình đường ống, kho cảng LPG lần đầu tiên ở Việt Nam giai đoạn 1996-2000; đã tổ chức thực hiện thành công dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ giai đoạn 2001-2004, một dự án hóa dầu đầu tiên ở Việt Nam đạt chất lượng, tiến độ và hiệu quả kinh tế cao; là chuyên gia lọc hóa dầu được mời tham gia và phản biện nhiều quy hoạch, dự án phát triển công nghiệp khí và khâu hạ nguồn của ngành Dầu khí Việt Nam.

Thông qua các hoạt động nghiên cứu KHCN, các cán bộ được đào tạo tại các trường dầu khí của Rumani có điều kiện để được cống hiến cho sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam và được trưởng thành. Nhiều người đã trở thành lãnh đạo của ngành Dầu khí, của Viện Dầu khí, của Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), của Vietsovpetro, của PVGas và của các đơn vị thành viên khác.

Trong lĩnh vực quản lý của Petrovietnam và của các đơn vị thành viên, nhiều cán bộ tốt nghiệp từ các trường dầu khí Rumani đã được giao đảm nhiệm các trọng trách. TS Trần Ngọc Toản làm Phó Vụ trưởng phụ trách Khoa học Kỹ thuật của Tổng cục Dầu khí từ năm 1985 và là Viện trưởng Viện Dầu khí giai đoạn 1999-2002. KS Nguyễn Đăng Liệu tốt nghiệp chuyên ngành Địa vật lý tại IPGG năm 1972 được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Quản lý KHCN của Viện Dầu khí từ những năm 1980,Trưởng Ban KHCN của Petrovietnam từ những năm 1990 và là Phó tổng giám đốc phụ trách Công nghiệp Khí, một lĩnh vực rất quan trọng của ngành Dầu khí Việt Nam. TS Nguyễn Huy Quý là Phó Viện trưởng phụ trách KHCN của Viện Dầu khí giai đoạn năm 2000-2005 và Phó trưởng Ban KHCN của Petrovietnam giai đoạn 2006-2010. TS Vũ Văn Viện là Trưởng Ban KHCN của Petrovietnam giai đoạn 2008-2017. TS Phan Thu Hương (tốt nghiệp KS Công nghệ lọc hóa dầu tại IPGG Rumani năm 1970, TS về Công nghệ Lọc hóa dầu năm 1980 tại UPG) là Vụ trưởng Vụ Khoa học Kỹ thuật của Bộ Kế hoạch Đầu tư. TS Hoàng Ngọc Đang là Chủ tịch Hội đồng thành viên của Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP)...

Nhờ được đào tạo trong môi trường chất lượng cao của các trường đại học hàng đầu của Rumani về dầu khí, các du học sinh Việt Nam sau khi tốt nghiệp đã phát huy tốt năng lực của mình trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực KHCN. Trong số họ, nhiều người đã trở thành chuyên gia giỏi tầm cỡ quốc tế, đã và đang góp phần xây dựng ngành Dầu khí Việt Nam ngày càng phát triển lên tầm cao mới.

N.X.D

 

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 1
  • 1425
  • 22,362,920