Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

THƯƠNG MẠI VIỆT -HÀN HƯỚNG TỚI MỐC 100 TỶ USD NĂM 2020

  27/12/2017

Sau 25 năm, thương mại Việt - Hàn hai chiều cán mốc 60 tỷ USD nhưng chỉ khoảng 3 năm nữa con số này dự kiến sẽ là 100 tỷ USD...

Đây là khẳng định của rất nhiều các đại biểu, khách mời tham dự toạ đàm: "Nhìn lại 25 năm quan hệ kinh tế Việt-Hàn và triển vọng trong tương lai" do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 25/12 tại Hà Nội.

Sau 25 năm thiết lập quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc, mối quan hệ hai nước đã phát triển trên nhiều lĩnh vực và được thể hiện rõ nhất trong mối quan hệ đầu tư và thương mại. Thương mại hai chiều đã tăng hơn 86 lần, từ 0,5 tỷ USD năm 1992 khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao lên 43,4 tỷ USD vào năm 2016. Dự kiến năm 2017 đạt 60 tỷ USD.

Thông tin từ Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho thấy, trong 11 tháng năm 2017, kim ngạch thương mại song phương hai nước đạt 58,5 tỷ USD, tăng 43% so với cùng kỳ. Kể từ khi áp dụng FTA vào tháng 12/2015, kim ngạch thương mại song phương đã tăng liên tục trong 3 năm, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ tư của Hàn Quốc.

Trong 11 tháng năm 2017, Hàn Quốc xuất khẩu vào Việt Nam đạt 43,7 tỷ USD tăng 48,4% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là dụng cụ bán dẫn, màn hình, thiết bị truyền thông không dây và các bộ phận điện tử. 

Hàn Quốc nhập khẩu từ Việt Nam đạt 14,8 tỷ USD tăng 29,2% so với cùng kỳ năm ngoái, hầu hết là thiết bị truyền thông không dây, quần áo và nhu yếu phẩm sử dụng hàng ngày. Thị phần hàng hóa Hàn Quốc tại Việt Nam chiếm 22,3% chỉ đứng sau Trung Quốc.

Hướng đến mốc 100 tỷ USD

Tại toạ đàm, ông Nguyễn Phú Bình, Đại sứ đầu tiên của Việt Nam ở Hàn Quốc, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Phó tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam nhận định, 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc có thành tựu lớn trong lĩnh vực kinh tế.

"25 năm trước khi tôi đến Hàn Quốc, quan hệ kinh tế hai nước chưa có gì, ở năm đầu tiên thiết lập ngoại giao thương mại hai chiều chỉ là 500 triệu USD, người Việt Nam ở Hàn Quốc cũng không có nhiều nhưng đến ngày hôm nay đã trở thành đối tác chiến lược. Cuối năm nay, khả năng thương mại hai chiều sẽ đạt 60 tỷ USD", ông Bình nói. 

Đại sứ Nguyễn Phú Bình cũng cho biết, năm 2013 trong một cuộc bang giao giữa hai vị lãnh đạo cấp cao, hai nước đã đặt mục tiêu kim ngạch thương mại lên 70 tỷ USD vào năm 2020. 

Tuy nhiên, với tốc độ phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn vừa qua, vừa rồi tại Hội nghị APEC 2017 tại Đà Nẵng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có cuộc gặp gỡ cấp cao với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In nâng mục tiêu thương mại hai chiều hai nước vào năm 2020 là 100 tỷ USD. Hàn Quốc đến nay đã đầu tư khoảng 57,5 tỷ USD vào Việt Nam với 5.700 dự án, 6.000 doanh nghiệp.

Ông Bình cũng nhận định, ngoài những thành tựu về kinh tế, hai nước còn hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực văn hoá, du lịch, giáo dục. Năm 2017, dự kiến có khoảng 2 triệu du khách hàn sang Việt Nam, 700.000 du khách Việt sang Hàn Quốc, 200.000 sinh viên và người Việt Nam sống tại Hàn Quốc. 

Ông Lee Chul, Tham tán công sứ của Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết dù quan hệ ngoại giao Hàn - Việt mới trải qua 25 năm - thời gian tương đối ngắn so với quan hệ ngoại giao giữa Hàn Quốc và các nước khác trên thế giới, nhưng thấy được những thành quả lớn.

Vị này khẳng định mối quan hệ Hàn - Việt đã bước vào giai đoạn trưởng thành, làm sao để giai đoạn tiếp theo có thêm nhiều hoạt động mới, cụ thể hoá hợp tác giữa hai nước. Ông cũng đặt niềm tin hai nước sẽ chạm ngưỡng thương mại hai chiều 100 tỷ USD vào năm 2020.

Chủ tịch của Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham), ông Ryu Hang Ha khẳng định qua 25 năm phát triển quan hệ đầu tư và thương mại, Việt Nam - Hàn Quốc ngày càng có vị thế quan trọng với nhau. Việt Nam là điểm đến đầu tư lý tưởng, là bàn đạp để các nhà đầu tư Hàn Quốc hướng đến các thị trường ASEAN và hợp tác xuất khẩu sang các nước EU, Mỹ.

Quan hệ thương mại Hàn Quốc và Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc, Việt Nam đã vượt qua Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Hàn Quốc về nhập khẩu các mặt hàng về ôtô, linh kiện, máy móc. Hàn Quốc đang dần trở thành đối thủ, thay thế Trung Quốc, có nhiều sản phẩm, linh kiện máy móc chất lượng cao xuất sang Việt Nam.

"Việt Nam- Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng như hình dáng, vẻ mặt, văn hoá, tư duy, lối suy nghĩ... Nhờ yếu tố đó mà 25 năm ngoại giao qua với rất nhiều thành tựu, các lĩnh vực đều phát triển. Đây cũng chính là động lực tạo ra một giai đoạn mới thành công hơn, hai nước sẽ cùng nắm tay nhau, trở thành những nhà lãnh đạo trên vũ đài thế giới", ông Ryu Hang Ha nói.

Làn sóng đầu tư thứ 3 của Hàn Quốc tại Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) nói làn sóng đầu tư thứ 3 của Hàn Quốc đổ vào Việt Nam là có cơ sở. Đó là làn sóng đầu tư mới với ngành nghề mới, công nghệ mới, kỹ năng mới và con người mới.

Ông Toàn cho biết, số vốn bình quân/dự án từ 12 triệu USD lên đến 8 tỷ USD, các nhà đầu tư Hàn Quốc cho thấy họ đang coi thị trường Việt Nam là nơi đầu tư và làm ăn hấp dẫn từ mọi góc độ cả doanh nghiệp lớn, đến những doanh nghiệp nhỏ, bé cũng biết khai thác thị trường.

Tuy nhiên, Phó chủ tịch VAFIE cảnh báo, thương mại Việt - Hàn đang chênh lệch lớn, Việt Nam đang nhập siêu lớn từ Hàn Quốc dù cùng nhau khai thác tốt Hiệp định tự do song phương Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA). Điều này cho thấy năng lực khai thác của doanh nghiệp Việt đối với thị trường Hàn còn yếu; thị trường của Hàn Quốc đối với sản phẩm Việt còn khép kín.

"Các doanh nghiệp và nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn chủ yếu khai thác thị trường Việt Nam hoặc lấy Việt Nam là nơi khai thác giá trị xuất khẩu khi Việt Nam gia nhập các FTA song và đa phương thế hệ mới. Để minh chứng mối quan hệ thương mại đầu tư bền vững, các nhà đầu tư Hàn Quốc nên đầu tư các ngành mà Việt Nam có lợi thế và khuyến khích trong thời gian tới như: nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản, thuỷ sản xuất khẩu; đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp Việt, đầu tư xử lý môi trường....", ông Toàn nói.

Đối với vấn đề nhân lực, vị này cho rằng người Việt Nam không có thế mạnh trong những công việc lặp đi lặp lại hàng ngày nhưng lại rất giỏi về tìm tòi, sáng tạo. Vì vậy, ông mong muốn các doanh nghiệp Hàn sẽ tận dụng những thế mạnh này để phát huy tiềm năng trí tuệ người Việt vào sự phát triển chung giữa hai nước.

BẠCH DƯƠNG (VNeconomy)

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 18
  • 1065
  • 18,008,804