Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

HÀNH TRÌNH “VỀ QUÊ” - MỘT TOUR DU LỊCH ĐẦY CẢM XÚC-P1

  04/08/2019

BBT Website xin trân trọng giới thiệu bài phóng sự (nhiều kỳ) của PGS TS Lê Phong Tuyết, thành viên Đoàn CSV trở lại thăm và làm việc ở Rumani mùa hè 2019:

Nhân dịp 45 năm ra trường, chúng tôi, ba cựu sinh viên cùng lớp Khoa Văn trường Tổng hợp Babes-Bolyai, và 2 cựu sinh viên của Khoa Hoá Công nghiệp, Trường ĐHBK Timisoara lên đường sang Romania dự lễ và trao tặng quà kỷ niệm. Có thể nói đó là quê hương thứ hai của chúng tôi. Cùng đi còn có anh Bùi Trọng Đỉnh, chồng chị Hoa, đồng thời là phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Việt Nam – Rumania làm Trưởng đoàn. Một chuyến đi không chỉ nhằm dự lễ, gặp mặt bạn bè, tri ân Trường, Khoa, thầy cô giáo mà còn là cuộc hành trình vòng quanh nước Romania, tìm kiếm và thăm lại những kỷ niệm xưa.

1. Hà Nội-Bucarest : Đoàn chúng tôi gồm 6 người gồm 4 người cựu sinh viên Trường ĐHTH thành phố Cluj xuất phát từ Hà Nội, hội tụ với hai anh chị cựu sinh viên sinh ĐHBK Timisoara xuất phát từ TP Hồ Chí Minh vào khoảng 20 h ngày 18 tháng 6 năm 2019 tại sân bay Nội Bài.  Đúng 22h5 phút, máy bay hãng Turkish Airlines khởi hành, đưa chúng tôi sang Romania, nơi chúng tôi từng du học 5 năm trời. Cứ tưởng công ty du lịch quốc tế Nụ cười Việt muốn mua vé của hãng này cho rẻ, đến khi lên máy bay mới biết không phải vậy. Hóa ra đây là hãng hàng không năm sao. Mọi thứ từ thái độ phục vụ của các nhân viên, đến vệ sinh, thức ăn...đều làm cho du khách hài lòng. Sau 9 giờ bay và sau hơn hai giờ transit ở Istambul, chúng tôi bay thêm tiếng rưỡi nữa thì máy bay hạ cánh xuống sân bay Otopeni (Henri Cuandă) thủ đô Bucarest. Ra đón chúng tôi là anh tài xế George Raducu vui tính, thân thiện với chiếc xe Ford 9 chỗ. Những lời hỏi thăm nhiệt tình cùng không khí mát lạnh trong ôtô làm cho những mệt nhọc sau mười mấy giờ bay tan biến.

Theo lịch trình, chúng tôi đến thăm công viên Herăstrău. Đây là công viên lớn nằm ở phía Bắc Bucarest. Từ những năm 1930-1935, đầm lầy, bãi cây cỏ được dọn dẹp, thiết kế, xây dựng và năm 1936 công viên đã được mở cửa cho công chúng thưởng ngoạn. Diện tích công viên là 1,1km2 bao bọc mặt hồ 0,7 km2, chiều dài 7,4, Hồ rộng được dành cho thể thao. Mùa hè có thể lướt ván, bơi thuyền, xe đạp nước, mùa đông nước đóng băng, người ta chơi những môn thể thao mùa đông như trượt băng, khúc côn cầu trên băng...

Công viên Herăstrău được thiết kế thành hai phần. Một khoảng rộng được dùng làm Bảo tàng làng Romania trong đó có những ngôi nhà cổ, cối xay gió, cối giã gạo nhờ sức nước, tựa như Viện bảo tàng Dân tộc ở Hà Nội nhưng có phần kém phong phú hơn và hầu như vẫn ở nguyên trạng như hồi đầu mới xây dựng...phần còn lại là khu vui chơi giải trí cho toàn dân, những trò chơi phong phú được dựng lên phục vụ thanh thiếu niên. Một điều thú vị nữa là những hàng cây đủ loại: dẻ, liễu, bạch dương... được trồng san sát và những vườn hoa hồng thơm ngát làm cho công viên Herăstrău trở thành lá phổi xanh của thủ đô, nơi người dân có thể đi dạo chơi, thể dục, hưởng thụ không khí trong lành.

Theo lộ trình, chúng tôi thăm Khải hoàn môn, chụp vài kiểu ảnh rồi đến ăn cơm ở quán Pescărus nằm trong công viên Herăstrău, quán ăn mà hầu như đoàn du lịch nào cũng tới.

Sau bữa ăn trưa ngon miệng, chúng tôi đến thăm và làm việc với Đại sứ quán nước ta tại Bucarest rồi lại tiếp tục đi thăm khu trung tâm thủ đô, nơi chúng tôi cũng đã từng nhiều lần đến tham quan. Bucarest đã có nhiều đổi thay. Những tòa nhà tơi tả vì đang xây dựng dở dang sau cuộc chiến tranh năm 1989 nay đã được hoàn thiện. Đặc biêt, Nhà Quốc Hội cao 84m, diện tích sàn 365.000 m2 - một tòa nhà khổng lồ cũng là một thắng cảnh nổi tiếng. Dọc theo một khúc của con sông Dâmbovita (dài 286 km), chúng tôi đi ngắm nghía một số danh thắng khác, sau đó, chúng tôi cùng nhau đến viếng mộ vợ chồng ngài N. Ceausescu. Phần mộ hai người đã được quy tụ lại, lát đá granito đỏ và trên bia mộ đã được ghi đầy đủ tên hai vợ chồng ông với chức danh: Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Romania. Với những ngọn nến và bó hoa cúc nhỏ, chúng tôi thành kính bày tỏ lòng biết ơn đối với con người đã giúp đào tạo cho Việt Nam nhiều cán bộ ưu tú sau này.

Rời nơi đây, chúng tôi được đưa đến nhà ga phía Bắc (Gara de Nord) Bucarest để về Timisoara, tiếp tục cuộc hành trình.

Lê Phong Tuyết-25/6/2019

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 5
  • 2301
  • 18,056,173